Tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số ở Vĩnh Long

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch về công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới, tạo điều kiện cho đội ngũ này được học tập, rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, qua đó từng bước nâng cao năng lực, khắc phục khó khăn trong học tập và công tác.

vinh_long_nang_cao_chat_luong_nhan_luc_vung_dong_bao_khmer_7c.jpg
Tỉnh Vĩnh Long thường xuyên tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, trao học bổng cho học sinh vào mỗi dịp lễ, Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer . Ảnh minh họa: Lê Thúy Hằng

Theo Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long, tỉnh có cơ cấu đa dân tộc. Ngoài dân tộc Kinh, các dân tộc thiểu số khác chiếm khoảng 2,7% dân số toàn tỉnh; trong đó, nhiều nhất là dân tộc Khmer chiếm gần 2,1%, người Hoa chiếm khoảng 0,6% ... Do đó, công tác phát triển đảng viên, xây dựng lực lượng đoàn viên, hội viên, đội ngũ cán bộ chủ chốt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh quan tâm.

Toàn tỉnh có 516 cán bộ, công chức, viên chức và 673 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, bổ nhiệm công chức, viên chức người dân tộc thiểu số cũng đạt được kết quả tích cực. Toàn tỉnh hiện có 4 trường hợp giữ vị trí lãnh đạo, quản lý các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập các cấp; có 31 trường hợp quy hoạch chức danh ban giám hiệu nhà trường; 14 trường hợp quy hoạch phó, trưởng trạm và trưởng, phó khoa các cấp...

Xác định xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên nhằm đáp ứng yêu cầu công tác trong thời kỳ mới, từ năm 2016 đến nay, địa phương đã cử tham gia đào tạo trình độ chuyên khoa I một trường hợp, đào tạo trình độ thạc sỹ trong nước 6 trường hợp và ở nước ngoài một trường hợp, đào tạo trình độ đại học 15 trường hợp…

Thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Tiểu dự án 2 của Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, từ năm 2021 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Học viện Dân tộc tổ chức 11 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho 321 học viên…

Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Long cũng tập trung thực hiện các chương trình, chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương trên các lĩnh vực. Điển hình như tại huyện Tam Bình, từ năm 2020 đến nay, địa phương đã thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cho 104 lượt người; hỗ trợ về phát triển giáo dục mầm non, hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số cho 249 lượt trẻ và hỗ trợ giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho 18 lượt giáo viên...

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long Thạch Dương, qua triển khai các chính sách trong công tác dân tộc đã tạo điều kiện và động lực để cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và theo vị trí việc làm, góp phần xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ, nhất là ở cấp cơ sở. Đặc biệt, lực lượng này có nhiều ưu thế trong tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, tình cảm của đồng bào dân tộc thiểu số, có vai trò quan trọng trong tuyên truyền. vận động, tham mưu triển khai hiệu quả các chương trình, dự án... thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số đến nay chỉ còn khoảng 3,45% (khoảng 302 hộ).

Ông Thạch Dương cho biết, mặc dù các chương trình, kế hoạch về công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện, tuy nhiên đến nay số lượng cán bộ, công chức, viên chức dân tộc thiểu số còn thiếu và chưa đảm bảo cơ cấu, tỷ lệ hợp lý; cán bộ người dân tộc thiểu số giữ chức vụ lãnh đạo cấp tỉnh, huyện còn ít; nguồn cán bộ cận kề người dân tộc thiểu số còn hạn chế...

Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị địa phương quan tâm bổ sung đủ biên chế cho tổ chức bộ máy Ban Dân tộc để thực hiện tốt công tác tham mưu tỉnh triển khai các chính sách, chương trình, dự án liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Ban đề nghị tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường rà soát, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ là người dân tộc thiểu số đang công tác ở các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý; đồng thời xem xét có chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức đối với người dân tộc thiểu số và chú trọng phát hiện, quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...

Ngoài ra, Ban Dân tộc tiếp tục phối hợp các ngành liên quan trong đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tổ chức các lớp bồi dưỡng cán bộ cơ sở nhằm bảo đảm đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ trong tình hình mới… góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Lê Thúy Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm