Gia Lai: Tạo nguồn phát triển cán bộ người dân tộc thiểu số

Gia Lai: Tạo nguồn phát triển cán bộ người dân tộc thiểu số
Đặc biệt, nhiệm kỳ 2015-2020, trong tổng số 55 cán bộ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai có 6 đồng chí là người dân tộc thiểu số, chiếm hơn 10%. Nhiệm kỳ 2016-2021, Hội đồng nhân dân tỉnh có 80 đại biểu trong đó 22 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm gần 30%

Là địa bàn còn nhiều khó khăn, xác định tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế, tỉnh Gia Lai đã chú trọng công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, phát triển và bố trí sử dụng hợp lý nguồn cán bộ này, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Tại nhiều địa phương trong tỉnh, nhờ sự hỗ trợ của các đơn vị Quân đội làm kinh tế, bà con biết cách nuôi trồng, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Công ty 75, Binh đoàn 15 có gần 3.000 công nhân, trong đó hơn một nửa là công nhân người dân tộc thiểu số sinh sống tại huyện biên giới Đức Cơ. Đây là lực lượng lao động trực tiếp tại các đơn vị, trình độ chuyên môn, nhận thức không đồng đều. Vì thế, phát triển, tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số để giúp đỡ các hội viên người địa phương là ưu tiên hàng đầu được Công ty 75, Binh đoàn 15 đặc biệt chú trọng.

Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Rơ Mah Mrao, làng Boong, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ cho biết, anh sinh ra và lớn lên tại làng Boong, đã có hơn 20 năm làm công nhân cạo mủ cao su cho Công ty 75. Với nhiều thành tích nổi bật, anh được chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp và được đơn vị cử đi học lớp đào tạo nguồn, đảm nhận chức Đội phó đội 13, Công ty 75. Trên cương vị mới, anh luôn tích cực hỗ trợ các hộ công nhân, bà con địa phương nâng cao tay nghề, phát triển kinh tế; thường xuyên hướng dẫn đồng bào kỹ thuật trồng cà phê, cao su, cạo mủ từ kiến thức được học tại các lớp tập huấn dành cho cán bộ của công ty.

Hiện nay, số lượng cán bộ người dân tộc thiểu số ở các đội sản xuất của đơn vị chiếm khoảng 35%. Để phát triển nguồn cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu số, Công ty 75 đã tích cực phát hiện công nhân có tay nghề, trình độ thông qua các hội thi, hội thao cạo mủ cao su hàng năm. Đơn vị tăng cường mở các lớp bổ túc chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ cho công nhân người dân tộc thiểu số.

Thượng tá Trịnh Hà Tâm, Giám đốc Công ty 75, Binh đoàn 15 cho biết, đối với cán bộ người dân tộc thiểu số, không nhất thiết phải mở lớp đào tạo, hội nghị, tọa đàm mà  đơn vị cử cán bộ đến tận nơi tuyên truyền theo kiểu “cầm tay chỉ việc” để anh em hiểu và làm được luôn. Khi đã hiểu cách làm, cán bộ người dân tộc thiểu số dễ dàng chia sẻ với bà con dân làng hơn là mình dạy cho họ.

Ngoài công tác phát triển kinh tế, đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số còn là cầu nối giúp lãnh đạo các đơn làm tốt công tác dân vận. Hiểu được tiếng nói, phong tục, tập quán, đội ngũ này luôn gần gũi với bà con trong khu vực đơn vị đóng quân; phối hợp với các già làng, người có uy tín trên địa bàn tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Họ kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của bà con; chủ động phối hợp với đơn vị để giúp người dân địa phương cũng như người lao động giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống.

Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Rơ Mah Keng, Đội phó đội 15, Công ty 75, Binh đoàn 15 cho biết: Bản thân anh luôn ý thức tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước để nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ của mình, đáp ứng yêu cầu trên giao. Đồng thời, anh luôn vận động bà con xây dựng nếp sống mới, vào làm công nhân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Nhờ lực lượng cán bộ là người dân tộc thiểu số địa phương, nhiều cơ quan, đơn vị đã có những chính sách kịp thời đến với người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Qua đó, tạo niềm tin trong nhân dân về đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhiều vụ việc diễn ra trên địa bàn đã được giải quyết nhờ vai trò dân vận của những cán bộ là người dân tộc thiểu số. Mối quan hệ họ hàng, làng xóm, đặc biệt là cách thức nói chuyện luôn bám sát ở cơ sở đã khiến việc tiếp xúc và nắm bắt tâm tư của cán bộ người dân tộc thiểu số với bà con thuận lợi hơn.

Cùng với đó, cán bộ là người dân tộc thiểu số còn luôn tích cực vận động bà con phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giúp các già làng, trưởng bản thực hiện tốt hoạt động tự quản tại cộng đồng, xây dựng quy ước, hương ước trong từng cộng đồng dân cư, trong thực hiện các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu…
    Hồng Điệp
TTXVN

Có thể bạn quan tâm