Thừa Thiên - Huế nỗ lực đào tạo nguồn cán bộ dân tộc cho các huyện miền núi

Thừa Thiên - Huế nỗ lực đào tạo nguồn cán bộ dân tộc cho các huyện miền núi
Nhiều giáo viên tranh thủ đến lớp học chữ Cơ tu. Ảnh: baothuathienhue.vn
Nhiều giáo viên tranh thủ đến lớp học chữ Cơ tu. Ảnh: baothuathienhue.vn

Từ năm học đầu tiên (năm học 1989-1990) trường mới có 4 lớp, với 57 học sinh, các lớp học theo hệ bổ túc văn hóa, có cả lớp cấp 2 và cấp 3 thì đến nay, qui mô nhà trường ổn định từ 280 đến 300 học sinh mỗi năm theo cấp 3 hệ phổ thông. Đa phần học sinh là người dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu và một số ít là người Vân Kiều (nhóm địa phương thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều). Năm học 2018 - 2019, trường có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trên 85%, trong đó, học sinh giỏi và tiên tiến chiếm khoảng 15%; hơn 10% học sinh ở trường thi đậu vào đại học và gần 30% các em được ưu tiên cử tuyển, xét tuyển vào các trường đại học và các trường đại học dự bị dân tộc trên cả nước. Năm học 2019 - 2020, có 100 em là con em đồng bào dân tộc trúng tuyển.

Thầy giáo Trần Quang Đức cho biết, khi bước vào học, nhiều em tiếng kinh chưa thông thạo nên cảm thấy tự ti… Từ cái nền khá khập khễnh ấy, thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cùng nhau tạo nên một môi trường giáo dục thân thiện và hữu ích. A Kinh Lứu, học sinh lớp 11, cho biết: "Em học tốt, sức khỏe tốt nên gia đình rất yên tâm. Mục tiêu của em là học tốt ở trường, mai sau thi đậu đại học để sau này trở về phục vụ quê hương".

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Thừa Thiên - Huế đã từng bước đổi mới phương pháp giảng dạy, tổ chức các hoạt động để nâng cao chất lượng giảng dạy như tổ chức hội thảo chuyên đề, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa với những chuyên đề có ý nghĩa cải tiến phương pháp dạy và học trong các môn học. Qua các hoạt động tập thể, các em cũng có khả năng giao thiếp tốt hơn về tiếng Việt, hiểu và áp dụng những quy chuẩn văn hoá văn minh vào lối sống hàng ngày. Khi mặt bằng giáo dục ổn định theo hướng đi lên, nhà trường mạnh dạn tạo nền tảng mới cho công tác chuyên môn bằng cách tổ chức nhiều cuộc sát hạch và chọn ra những gương mặt sáng trong các môn học để bắt tay vào công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Để các em không tụt hậu so với học sinh phổ thông khác, giáo viên bộ môn của trường đã thường xuyên "kết nối", tạo mối liên kết giữa thầy và trò để các em không xao nhãng việc học. Tuy chất lượng không cao nhưng sân chơi học sinh giỏi của trường lại rộng mở với tất cả học sinh như một hình thức ôn tập rộng.

Do đặc điểm có tới 100% học sinh ở nội trú, trong đó phần lớn là học sinh người dân tộc thiểu số đến từ các huyện vùng cao của tỉnh nên ngoài việc nâng cao chất lượng học tập, nhà trường rất quan tâm là sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Ở khu nội trú của trường, các môn cờ vua, cờ tướng, bóng đá… trở thành quen thuộc. Các em còn tham gia các hoạt động có ý nghĩa xã hội như giao lưu với bộ đội biên phòng, tham gia các ngày hội từ thiện, đóng góp vì Trường Sa thân yêu… Mỗi thầy cô ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ý thức được rằng, ở ngôi trường này, giáo viên không đơn thuần là người thầy trên bục giảng, họ còn là người anh, người chị, người bạn tâm tình của từng học sinh.

Thầy giáo Trần Quang Đức cho biết, chính các buổi sinh hoạt tập thể, đi dã ngoại cũng là cách để tăng cường sự giao tiếp, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sống cho các em. Gần đây, thầy và trò Trường phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Thừa Thiên - Huế có cuộc trải nghiệm "Biển đảo quê hương" bằng cách ghé thăm Đồn Biên phòng Vinh Xuân, huyện Phú Vang. Qua đợt tham quan học tập giúp các em hiểu thêm về chủ quyền biển đảo, đồng thời tạo động lực học tập vì ngày mai lập nghiệp.

Chia sẻ với những nỗ lực cố gắng đào tạo nguồn cán bộ dân tộc cho các huyện miền núi, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở dân tộc nội trú huyện Nam Đông, Đào Quốc Huy cho biết, ngoài dạy văn hóa, các phòng học, phòng làm việc của trường đều có ti vi, máy tính, kết nối mạng internet. Tài chính tuy còn nhiều khó khăn, thầy Huy cùng với Ban giám hiệu vẫn tạo điều kiện cho giáo viên đi học, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, học thêm tiếng Cơ Tu nhằm đảm bảo năng lực công tác cho đơn vị dạy học vốn rất "đặc thù" này. Trường còn tổ chức các hội thảo đổi mới phương pháp dạy học cho học sinh dân tộc nội trú; hướng dẫn cho giáo viên phụ trách đội tổ chức các hoạt động tự quản, nâng cao kỹ năng sống cho học sinh.
Quốc Việt

Có thể bạn quan tâm