Sầu riêng đang là cây trồng chủ lực tại các địa phương vùng ngập lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang như: huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, huyện Cái Bè, mang lại cho nông dân một nguồn lợi kinh tế quan trọng, giúp nhiều người vươn lên trở thành tỉ phú vùng nông thôn, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Chỉ với 5.500 m2 đất trồng chuyên canh giống sầu riêng RI 6 và Mong Thong – những giống sầu riêng chất lượng cao, có giá trị kinh tế lớn trên thị trường, mỗi năm gia đình ông Nguyễn Văn Thắm, cư ngụ tại ấp Bình Hòa A, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy bán thu trên 1 tỉ đồng. Đây là một trong những mức thu cao kỷ lục đối với vườn cây ăn quả đặc sản tại Tiền Giang.
Ông Nguyễn Văn Thắm là một trong những người đầu tiên tạo dựng nên cơ nghiệp vững vàng từ cây sầu riêng trên đất Tam Bình. Thoạt đầu, ông trồng giống sầu riêng khổ qua vàng, khổ qua xanh bản địa. Giống này tuy năng suất cao nhưng chất lượng kém, thị trường ít ưa chuộng và không thể xuất khẩu được, hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy hạn chế của các giống khổ qua vàng, khổ qua xanh, ông mạnh dạn cải tạo khu vườn, chuyển sang trồng các giống sầu riêng RI 6 và Mong Thong, các giống sầu riêng đặc sản đang được thị trường xuất khẩu rất chuộng, đầu ra thuận lợi.
Sầu riêng là cây trồng thích hợp thổ nhưỡng vùng đất phù sa màu mỡ ven sông Tiền các huyện, thị phía Tây tỉnh Tiền Giang. Qua thực tế canh tác, ông Thắm nhận thấy muốn thành công với cây trồng đặc sản này cần thiết phải chú ý chọn giống tốt, chất lượng, nắm vững kỹ thuật thâm canh theo khoa học, biết xử lý để thu hoạch theo ý muốn, tránh được thời điểm mất giá… Đối với ông Thắm, ngoài việc học tập và trau dồi kiến thức về thâm canh sầu riêng thông qua các tài liệu kỹ thuật, cán bộ khuyến nông và các kênh thông tin khác thôi chưa đủ, cần kết hợp với kinh nghiệm và thực tiễn trong quá trình canh tác. Vườn sầu riêng của ông Nguyễn Văn Thắm đã được trên 10 năm tuổi, sung mãn, cành lá sum suê, xanh mướt.
Ông Thắm cho biết, kinh nghiệm thâm canh của ông là trồng mật độ cao, khoảng 40 cây/1.000 m2, đầu tư hệ thống tưới phun tự động vừa tiết kiệm công sức vừa tiết kiệm nước tưới tiêu, cây hấp thu tốt bởi nước tưới thấm đều, bón nhiều phân hữu cơ vi sinh… Bên cạnh đó, cần nắm vững quy trình chăm sóc, kỹ thuật xử lý cho trái theo ý muốn và chăm sóc phục hồi vườn cây sau khi thu hoạch, không dùng các loại phân hóa học dễ làm cây suy kiệt…
Sầu riêng mỗi năm cho một vụ thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Thắm áp dụng quy trình xử lý vườn sầu riêng cho trái nghịch vụ để bán được giá cao hơn. Với 5.500 m2 vườn chuyên canh sầu riêng, mỗi năm ông thu hoạch được 6.000 quả; mỗi quả nặng trung bình 3 kg, sản lượng thu hoạch 18 tấn. Trong năm qua, ông bán giá bình quân 60.000 đồng/kg, thu gần 1,1 tỉ đồng; trừ chi phí còn lãi ròng gần 800 triệu đồng.
Nhờ có thu nhập cao từ cây sầu riêng, kinh tế gia đình ông Nguyễn Văn Thắm khấm khá, xây cất nhà cửa khang trang, có tích lũy dồi dào qua từng năm. Ông Thắm cũng truyền bá, phổ biến kinh nghiệm sản xuất hiệu quả giúp bà con xung quanh cùng xây dựng thành công mô hình trồng chuyên canh sầu riêng chất lượng cao nhằm phát huy tiềm năng đất đai, lao động để vượt khó, thoát nghèo, đưa nông nghiệp – nông dân – nông thôn đi lên.
Ông Nguyễn Tấn Nhũ - Bí thư Đảng ủy xã Tam Bình cho biết, địa phương đã chuyển đổi 100% diện tích đất canh tác sang lập vườn trồng cây ăn quả đặc sản, chủ yếu là chuyên canh sầu riêng chất lượng cao, mỗi năm cho thu nhập bình quân 1 tỉ đồng/ha. Tam Bình trở thành vùng trọng điểm về trồng sầu riêng của tỉnh Tiền Giang. Có được điều đó, nhờ sự lan tỏa từ mô hình của những nông dân tiên phong như ông Nguyễn Văn Thắm ở ấp Bình Hòa A.
Từ năm 2014 đến nay, ông Nguyễn Văn Thắm liên tiếp được công nhận là nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi tiêu biểu tỉnh Tiền Giang. Ông Nguyễn Tấn Nhũ cho biết, ông Thắm còn là điển hình trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Với vai trò đảng viên, Trưởng ấp Bình Hòa A, ông đi đầu trong vận động nhân dân cùng góp công sức, tiền của để kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, tạo diện mạo nông thôn mới. Trong đó, ông đã làm gương hiến trên 100 m2 đất để phát triển giao thông nông thôn. Theo gương ông, khoảng 100 hộ dân trong ấp đã tự nguyện hiến đất, người nhiều từ 400 – 500 m2, người ít nhất cũng 50 – 70 m2, để thi công 4 tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn ấp, với tổng chiều dài 3.500 m phục vụ việc đi lại, giao thương, tiêu thụ nông sản hàng hóa trên địa bàn. Từ đó, tạo điều kiện để Tam Bình trở thành một trong tốp 4 xã đầu tiên trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới của tỉnh Tiền Giang vào năm 2015, về trước 5 năm so với lộ trình đề ra.
Ông Nguyễn Văn Thắm tiêu biểu cho lớp nông dân hôm nay ở Tiền Giang giỏi giang, nhạy bén, có kiến thức khoa học và hết lòng vì cộng đồng, chung sức xây dựng nông thôn mới để mọi người, mọi nhà cùng hưởng lợi.
Minh Trí