Tạo động lực cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Tạo động lực cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo
Phát biểu tại toạ đàm, ông Tô Đình Tuân- Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cho rằng, bên cạnh vị thế là đầu tàu kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh cũng là trung tâm khoa học, công nghệ của cả nước. Cộng đồng doanh nghiệp thành phố cũng là những người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.
Quang cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
Quang cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
 
Tuy nhiên, trước sự thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những nỗ lức đó của doanh nghiệp là chưa đủ để theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế. Các quốc gia phát triển trên thế giới đều xem sáng tạo là tài nguyên vô giá và nhu cầu đổi mới không chỉ ở trong phạm vi Việt Nam mà đó là nhu cầu chung của những doanh nghiệp muốn phát triển.
 
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành Saigon Innovation Hub cho rằng, đổi mới, sáng tạo, thực chất là sự thay đổi. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, áp lực lớn nhất của doanh nghiệp chính là phải thay đổi và thay đổi liên tục hơn nữa. 

Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ chính là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp lớn suy thoái và biến mất, nhưng cũng nhờ vào công nghệ, nhiều doanh nghiệp mới hình thành và nhanh chóng lớn mạnh. Khác biệt giữa những doanh nghiệp này chính là cách tiếp nhận và vận dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong ảnh: Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
Trong ảnh: Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
 
Một số nghiên cứu cho thấy hơn 90% giá trị của doanh nghiệp Việt Nam là tài sản hữu hình, tài sản cố định trong khi các tập đoàn thế giới luôn xác định giá trị của họ dựa trên nguồn lực con người, năng lực nghiên cứu và phát triển, thương hiệu… Trong khi đồ ăn, thức uống của nước ngoài hiện diện khắp nơi ở Việt Nam thì số doanh nghiệp Việt vươn ta thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
 
Điều đó có nghĩa là trong khi các doanh nghiệp nước ngoài đang chạy rất nhanh thì doanh nghiệp Việt vẫn đi rất bình tĩnh. Câu chuyện của nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay không phải là vươn ra thị trường quốc tế như thế nào mà ngay cả việc tồn tại, cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài tại trên chính sân nhà cũng khó khăn. Do đó, đã đến lúc doanh nghiệp cần thay đổi, không phải là tìm động lực thay đổi mà phải tạo ra áp lực để thay đổi - ông Tước phân tích.
Trong ảnh: Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người lao động, phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
Trong ảnh: Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người lao động, phát biểu
khai mạc tọa đàm. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
 
Cùng quan điểm, ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, công nghệ có vai trò và tác động rất lớn đối với mô hình kinh doanh mới hiện nay. Nếu như trước đây vài năm, mạng xã hội chỉ là nơi giới trẻ nói chuyện phiếm thì hiện nay với sự xuất hiện của thương mại điện tử, mạng xã hội ngày càng liên quan mật thiết đến hành vi của doanh nghiệp.

Sự hình thành hệ sinh thái kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội sẽ thay đổi hình thức kinh doanh cũ. Kinh doanh truyền thống không còn là thế mạnh nữa. Ví dụ, chỉ cần xuất hiện một fanpage bình luận về con mèo với màu sắc nào đó, sẽ là cơ sở dữ liệu để một doanh nghiệp quyết định làm cái túi xách màu gì, in hình gì mà không phải thông qua tìm hiểu thị trường.
 
Yếu tố sáng tạo sẽ đẩy mạnh cạnh tranh và phát triển bền vững trong tương lai.  Trước đây, “cá lớn nuốt cá bé” doanh nghiệp lớn thâu tóm doanh nghiệp bé nhưng hiện nay “cá nhanh sẽ nuốt cá chậm” và sự lựa chọn của doanh nghiệp hiện nay không phải là lớn hay không lớn mà là đổi mới hay là chết - ông Tuấn nhấn mạnh,
 
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mục tiêu của Thành phố Hồ Chí Minh là chuyển đổi doanh nghiệp từ mô hình cũ sang mô hình mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0. Các chuyên gia, công ty công nghệ cũng đang có những chương trình hay, hỗ trợ miễn phí cho các doanh nghiệp. Nhưng vẫn còn rất nhiều  doanh nghiệp đang loay hoay với công nghệ 4.0, nhất là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ. 
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành Saigon Innovation Hub, phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành Saigon Innovation Hub, phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN

Những hạn chế trong vấn đề trong đổi mới, sáng tạo của các doanh nghiệp hiện nay xuất phát từ nhiều phía. Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết và những lợi ích của việc đổi mới, đặc biệt vẫn còn những doanh nghiệp vẫn xem đổi mới là vấn đề của người khác.

Mặt khác, các cơ chế, chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo của nhà nước chưa tạo được động lực cho các doanh nghiệp tham gia, chưa bao phủ đến mọi đối tượng doanh nghiệp, trong khi việc đổi mới đòi hỏi phải có nguồn lực tài chính nhất định. Hơn nữa, công tác truyền thông về các chương trình hỗ trợ đổi mới vẫn còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp không có thông tin về các chương trình hỗ trợ, trong khi các quỹ hỗ trợ không giải ngân được.
 
Bà Trương Lý Hoàng Phi, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, muốn tạo động lực cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cần thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về lợi thế cạnh tranh của mình và hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Theo đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay còn thiếu khá nhiều khung pháp lý cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới, sáng tạo cũng là vấn đề cần được phát triển một cách tổng thể nhằm hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo cho doanh nghiệp./. 
Xuân Anh
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm