Từ thành công của mô hình chuyển đổi trồng cây sen, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đang phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Nông Lâm thuộc Đại học Huế và các trung tâm nghiên cứu trong và ngoài tỉnh nghiên cứu và đưa vào bảo tồn, phát triển nguồn gen sen Huế thông qua phương pháp nuôi cấy mô. Qua đó, phát triển bền vững nghề trồng sen, tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người dân trồng sen trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh Thừa Thiên – Huế chú trọng tuyển chọn giống sen có năng suất, chất lượng để tăng năng suất trồng gắn với bảo tồn khai thác nguồn giống sen Huế; tập huấn cho người dân về các giải pháp về kỹ thuật chăm sóc giống, cải tạo đất đai, tổ chức sản xuất theo hướng chuẩn VietGAP nhằm nâng cao trình độ về kỹ thuật thâm canh bền vững cây sen.
Ngoài ra, khuyến khích người trồng sen liên kết với các đơn vị để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ sen, kết nối hệ thống siêu thị, các điểm du lịch làm cầu nối để tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nhãn hiệu "Sen Huế".
Theo kế hoạch phát triển trồng sen giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến năm 2025, tỉnh sẽ mở rộng diện tích trồng mới cây sen đạt 745ha; trong đó, sen cao sản lấy hạt khoảng từ 85-90% diện tích, sen địa phương từ 10-15% diện tích; năng suất bình quân từ 1.800-2.000kg/ha, sản lượng ước đạt khoảng từ 1.200-1.400 tấn hạt/năm.
Thực tế, những năm qua, người dân tại tỉnh Thừa Thiên – Huế đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, đất trũng bỏ hoang sang trồng sen với khoảng 650ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tại huyện Phong Điền, diện tích trồng sen hiện mở rộng khoảng 355ha, tập trung ở các xã Phong Hiền, Phong An, Phong Thu, Phong Hòa, Phong Chương, thị trấn Phong Điền...
Gia đình Trương Duy Hòa ở thị trấn Phong Điền đã chuyển đổi trồng sen từ hơn 10 năm trước, với vùng trồng hiện gần 3ha. Ông chia sẻ, nắm bắt nhu cầu của thị trường nên vụ năm nay, gia đình ông xuống giống sớm hơn mọi năm.
Trong khi nhiều hộ chưa có sản phẩm, gia đình ông đã thu hoạch và bán hạt sen hơn một tháng nay với chất lượng hạt sen to. Trung bình, ông bán ra thị trường hơn 200kg sen/ngày. Đầu vụ, hạt sen có giá 80.000/kg, gấp đôi so với giá hiện nay. Sau khi trừ chi phí đầu tư, thu nhập từ sen trung bình khoảng 120 triệu đồng/ha, gấp từ 4-5 lần so với trồng lúa.
Gia đình ông Trần Hữu Đạo, xã Quảng An quyết định chuyển đổi sang trồng sen từ năm 2018, trên diện tích hơn 1ha đất thấp trũng trồng lúa kém hiệu quả. Theo ông Đạo, sen được trồng từ tháng 2 và cho thu hoạch từ tháng 6 - 8. Hiện chưa đến thời điểm thu hoạch chính vụ nhưng nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi nên năng suất ước đạt khoảng 4 tấn/ha. Cây sen có ưu điểm dễ trồng, thích nghi với vùng đất thấp trũng, úng nước, cần ít vốn đầu tư và công chăm sóc nhưng năng suất ổn định, sản phẩm dễ tiêu thụ, thương lái đến tận vườn thu mua nên lãi cao. Với giá hạt sen tươi hiện 40.000 đồng/kg, ước tính gia đình ông lãi hơn 100 triệu đồng trong vụ sen năm nay.
Trên địa bàn huyện Quảng Điền có khoảng 60ha sen, với hơn 200 hộ nông dân tham gia, tập trung chủ yếu ở thị trấn Sịa, các xã Quảng Vinh, Quảng Lợi và Quảng An. Từ năm 2021, nhờ lượng phù sa bồi đắp sau các đợt lũ nên cây sen trồng ở khu vực này phát triển đồng đều, chất lượng hạt tốt.
Ông Lê Văn Thiên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Điền cho biết, vụ sen năm nay được mùa, được giá. Ước tính, hạt sen tươi chưa bóc có giá 40.000 đồng/kg; sen thành phẩm có giá 75.000 - 80.000 đồng/kg. Nghề trồng sen không chỉ giúp cải thiện đời sống của các hộ gia đình mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Thời gian tới, hội tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng khuyến khích người dân tận dụng diện tích mặt nước bỏ hoang, vùng thấp trũng và vùng đất chua phèn trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen kết hợp nuôi cá để nâng cao thu nhập. Đặc biệt, hội sẽ xúc tiến thành lập các tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp để ổn định đầu ra cho sản phẩm sen của địa phương, cũng như vận động người dân thử nghiệm và phát triển giống sen đặc sản Huế để phát triển thương hiệu "Sen Huế".
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây sen còn một số khó khăn, hạn chế. Theo đó, tỉnh chưa có quy hoạch vùng trồng sen cụ thể, hầu hết diện tích trồng ban đầu manh mún, nhỏ lẻ, mang tính tự phát; cùng với đó, nguồn giống chưa bảo đảm nên năng suất thấp hay bị nhiễm bệnh. Phần lớn người dân cũng chưa được tập huấn kỹ thuật về quy trình sản xuất, phòng trừ sâu bệnh, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, chưa thực hiện được liên kết theo chuỗi giá trị nên sản xuất thiếu tính bền vững, giá thành sản phẩm phụ thuộc vào thị trường.
Tường Vi