Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết: Kiên Giang tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, theo chuỗi giá trị, giảm phát thải nhằm bảo vệ môi trường, đảm bảo lợi ích kinh tế. Từ đó, góp phần phát triển ngành nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản. Năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu sản lượng lúa đạt 4,4 triệu tấn, với tỷ lệ trồng giống lúa chất lượng cao chiếm 90% trở lên.
Sản xuất hiệu quả các vụ lúa
Đến trung tuần tháng 2, tổng diện tích gieo trồng lúa của tỉnh hơn 352.660 ha, vượt kế hoạch 2.660 ha, gồm: lúa Mùa 72.395 ha, lúa Đông Xuân 280.265 ha. Trong số đó, lúa vụ Mùa gieo trồng tập trung ở vùng sản xuất U Minh Thượng cơ bản thu hoạch xong, năng suất bình quân 5,4 tấn/ha; lúa Đông Xuân đang giai đoạn sinh trưởng từ đẻ nhánh đến trỗ chín và chuẩn bị thu hoạch.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, tỉnh phấn đấu năng suất thu hoạch bình quân 7,5 tấn/ha, sản lượng đạt tối thiểu 2,1 triệu tấn. Theo đó, tỉnh theo dõi, cập nhật tình hình khí tượng thủy văn trên địa bàn để thông tin kịp thời đến các địa phương những tình huống thời tiết cực đoan có thể xảy ra để chủ động ứng phó an toàn, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Chi cục Thủy lợi Kiên Giang quản lý, vận hành linh hoạt, hiệu quả hệ thống cống, công trình thủy lợi trên địa bàn, nhất là ở những vùng sản xuất trọng điểm, đảm bảo điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất, ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn. Đơn vị kiểm tra chặt chẽ các đê bao, công trình thủy lợi để phát hiện các sự cố rò rỉ, khắc phục kịp thời. Đồng thời, vận động nông dân thường xuyên theo dõi triều cường, thử, đo độ mặn nước trước khi bơm nước vào đồng ruộng để tránh thiệt hại lúa.
Tỉnh cũng tập trung tái cơ cấu quy mô sản xuất, xây dựng các vùng chuyên canh, vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và lộ trình thực hiện theo các ngành hàng chủ lực của tỉnh. Trong số đó, chú trọng lúa và thủy sản, đặc biệt là phát triển mô hình lúa hữu cơ - tôm ở các huyện vùng U Minh Thượng, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Lương... Duy trì ổn định sản lượng lúa và sản xuất lúa có chất lượng cao, sản xuất lúa theo cánh đồng lớn, theo chuỗi giá trị, theo hướng bền vững, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tỉnh chú trọng liên kết sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn, triển khai sản xuất lúa đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, SRP, hữu cơ… kiểm soát dư lượng phục vụ xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sang các thị trường như: EU, Mỹ, Nhật… Đồng thời, cấp mã số vùng trồng nhằm minh bạch nguồn gốc sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị hàng nông sản và xây dựng thương hiệu nông sản địa phương. Đặc biệt là tiến hành cấp mã số xuất khẩu cho 15 loại cây trồng cho các vùng trồng phục vụ xuất khẩu như: lúa, bưởi, chuối, dừa, khóm, gừng, khoai lang, măng cụt, mít, sim, hồ tiêu…
Trong những ngày đầu Xuân Giáp Thìn 2024, vui Tết cổ truyền dân tộc, nông dân các vùng sản xuất trọng điểm Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu, U Minh Thượng phấn khởi, mừng vui khi giá lúa trên thị trường vẫn đang ở mức cao, dao động từ 9.500 - 10.000 đồng/kg tùy theo giống gieo trồng và chất lượng lúa.
Nông dân Nguyễn Văn Bảy ở xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp chia sẻ: "Từ vụ lúa Hè Thu năm 2023 đến nay, giá lúa luôn giữ mức khá cao, nông dân sản xuất có lãi. Vụ lúa Đông Xuân chuẩn bị thu hoạch, dự đoán năng suất từ 7 - 8 tấn/ha và nếu giá lúa ở mức khoảng 10.000 đồng/kg như hiện nay thì sau khi thu hoạch, trừ chi phí sản xuất, nông dân lợi nhuận 38 - 40 triệu đồng/ha và có nơi cao hơn".
Sản xuất 60.000 ha chuyên canh lúa
Thực hiện "Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030", tỉnh Kiên Giang trong năm 2024 sản xuất 60.000 ha.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho hay, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-UBND, ngày 16/01/2024 triển khai thực hiện đề án, trong đó, mục tiêu đến năm 2025 đạt 100.000 ha, năm 2030 đạt 200.000 ha. Trước mắt, năm 2024, tỉnh thực hiện 60.000 ha, với 102 hợp tác xã; trong đó, diện tích canh tác 25.000 ha ở 9 huyện, thành phố có vùng sản xuất được hưởng lợi từ Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT).
Tỉnh kiện toàn Ban Quản lý dự án VnSAT thành Ban Quản lý Đề án 1 triệu ha trên địa bàn tỉnh, chủ động truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng đến người dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của đề án trong sản xuất nông nghiệp xanh. Cùng đó, tập huấn nâng cao nhận thức sản xuất theo điều kiện giảm phát thải khí nhà kính, giảm lượng carbon, tăng giá trị lúa, gạo và tăng thu nhập cho nông dân. Tỉnh huy động tổng hợp các nguồn lực, các thành phần kinh tế cùng tham gia thực hiện đề án đạt hiệu quả.
Sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long là lợi thế của vùng, có vai trò nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, ổn định xã hội, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Đối với Kiên Giang, tỉnh có diện tích trồng lúa hàng năm hơn 700.000 ha, sản lượng từ 4,4 - 4,5 triệu tấn/năm, nhiều năm liền đứng đầu cả nước, diện tích lúa chất lượng gạo cao chiếm trên 90% diện tích gieo trồng.
Tỉnh tổ chức sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn gắn liên kết tiêu thụ ngày càng tăng. Tỉnh sản xuất 1.334 cánh đồng lớn, với tổng diện tích 167.226 ha và trong số đó có 1.026 cánh đồng lớn với diện tích 120.697 ha gắn với liên kết tiêu thụ, có 55.166 ha sản xuất an toàn, đạt các chuẩn chứng nhận xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ, Nhật… Tỉnh cũng có hơn 400 mã vùng trồng được cấp cho nhiều loại cây trồng với hơn 13.600 ha, sản lượng hàng năm ước khoảng trên 224.000 tấn; trong đó, cây lúa được cấp 333 mã vùng trồng với diện tích trên 12.000 ha, sản ượng ước trên 115.000 tấn phục vụ xuất khẩu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh nhấn mạnh: Cùng với thực hiện hiệu quả đề án chuyên canh lúa chất lượng cao trên địa bàn, Kiên Giang tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông thôn, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Tỉnh chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng lợi thế từng vùng, từng tiểu vùng.Đồng thời, gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị.
Tỉnh khuyến khích kinh tế hộ, kinh tế hợp tác nòng cốt là hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư, cải tiến quản lý nhà nước để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Lê Huy Hải