Sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm rạ giúp giảm chi phí sản xuất lúa ở Cần Thơ

Áp dụng cơ giới hóa để sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm rạ tại quận Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ). Ảnh: baocantho.com.vn
Áp dụng cơ giới hóa để sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm rạ tại quận Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ). Ảnh: baocantho.com.vn

Giúp nông dân trồng lúa nâng cao hiệu quả và tránh tình trạng lãng phí rơm rạ trên đồng, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ và Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) đã hỗ trợ nông dân áp dụng cơ giới hóa khâu thu gom rơm và sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm rạ. Từ phân hữu cơ sản xuất từ rơm rạ, nông dân được hướng dẫn sử dụng để canh tác lúa và các loại cây trồng. Mô hình canh tác lúa sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm đã được nông dân quận Thốt Nốt, huyện Thới Lai, Cờ Đỏ thực hiện, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất.

Sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm rạ giúp giảm chi phí sản xuất lúa ở Cần Thơ ảnh 1Áp dụng cơ giới hóa để sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm rạ tại quận Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ). Ảnh: baocantho.com.vn

Nông dân tham gia mô hình không chỉ giảm được chi phí tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà còn nâng cao được năng suất, chất lượng, giá bán lúa và lợi nhuận. Qua thực hiện mô hình thí điểm sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm rạ trong canh tác lúa trong vụ Đông Xuân 2022 - 2023 và Hè Thu 2023 tại quận Thốt Nốt, nông dân có thể giảm chi phí sản xuất gần 1,7 triệu đồng/ha và tăng lợi nhuận hơn 3,4 triệu đồng/ha so với ruộng lúa đối chứng.

Vụ lúa Hè Thu 2023, gia đình ông Trần Văn Đạo, phường Tân Hưng (quận Thốt Nốt) canh tác 1,7 ha lúa, trong đó, có 1 ha áp dụng sản xuất lúa sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm rạ và 7.000 m2 còn lại (làm đối chứng) được canh tác theo phương pháp truyền thống (sử dụng 100% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học).

Vụ lúa Hè Thu, ông Đào canh tác giống lúa OM5451 với lượng giống gieo sạ 80 kg/ha. Hiện lúa của gia đình ông Đào chuẩn bị thu hoạch. Qua kết quả đánh giá sơ bộ của ngành chuyên môn, năng suất lúa tươi tại ruộng mô hình ước đạt 6,4 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng 0,3 tấn/ha.

Ông Đạo cho biết, trong suốt vụ lúa Hè Thu, ruộng mô hình canh tác theo hướng hữu cơ sử dụng 1 tấn phân hữu cơ từ rơm bón cho 1 ha lúa theo nhiều đợt; đồng thời, kết hợp bón phân hóa học nhằm đảm bảo đủ lượng dinh dưỡng cho cây lúa phát triển xanh tốt.

Hiện nay, diện tích lúa canh tác theo hướng hữu cơ của ông Đạo còn khoảng một tuần là cho thu hoạch, thương lái đã đến nhà đặt cọc trước để thu mua với giá 6.300 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông Đào ước tính còn lợi nhuận hơn 30 triệu đồng/ha.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Cần Thơ cho biết, ruộng sử dụng phân hữu cơ ủ từ rơm giúp bộ rễ cây lúa ra nhiều và dài hơn so với ruộng không bón phân hữu cơ. Bộ rễ ra nhiều và ăn sâu, giúp cây lúa cứng cáp, hạn chế đổ ngã, thất thoát sau thu hoạch,...

Ruộng sản xuất lúa theo mô hình sử dụng giống từ cấp xác nhận trở lên, gieo sạ mật độ thưa, bón lót phân hữu cơ đầu vụ giúp giảm được lượng phân đạm, hạn chế khả năng phát sinh và gây hại của sâu bệnh. Từ đó, giúp giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất tăng lợi nhuận và phẩm chất hạt gạo.

Hiện nay, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ đang triển khai các mô hình thí điểm về canh tác lúa sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm rạ, kết hợp với kỹ thuật "1 phải, 5 giảm" tại các địa phương: quận Thốt Nốt và huyện Thới Lai, Cờ Đỏ. Mỗi mô hình trình diễn 1 ha và đã làm được hai vụ lúa (vụ Đông Xuân và Hè Thu năm 2023).

Qua kết quả đánh giá, mô hình giúp nông dân giảm từ 35 - 40% chi phí sử dụng phân thuốc hóa học và lợi nhuận tăng thêm 10% trên cùng diện tích so với sản xuất lúa truyền thống. Bên cạnh đó, sản xuất lúa sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm cũng là mô hình nông nghiệp tuần hoàn, giúp giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện với môi trường, giảm tối thiểu chi phí sản xuất, cho ra sản phẩm an toàn và chất lượng.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp Cần Thơ sẽ giới thiệu rộng rãi mô hình này để nông dân biết đến và áp dụng làm theo.

Thu Hiền

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm