Sơn La nhân rộng các ứng dụng công nghệ trong phát triển cây trồng

Sơn La nhân rộng các ứng dụng công nghệ trong phát triển cây trồng

Thực hiện các chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã tập trung nghiên cứu, nhân rộng các đề tài, dự án ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển cây trồng. Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi ở Sơn La.

Với trên 10 thành viên đều là đồng bào dân tộc Mông ở bản Bó Nhàng 2, xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ), Tổ hợp tác rau an toàn đã nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật, cách chăm sóc và thu hoạch từ dự án “Cải thiện liên kết giữa thị trường và người sản xuất rau trái vụ vùng Tây Bắc Việt Nam”.

Nguồn kinh phí của dự án do Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Australia (ACIAR) thuộc Chương trình “Sinh kế cộng đồng” hỗ trợ. Sau một thời gian triển khai, dự án đã góp phần làm thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp của người nông dân nơi đây. Toàn bộ sản phẩm rau được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Sơn La nhân rộng các ứng dụng công nghệ trong phát triển cây trồng ảnh 1Vùng trồng rau an toàn của HTX Rau an toàn Vân Hồ. Ảnh: baosonla.org.vn

Anh Lầu A Bô, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ cho biết, bây giờ trồng rau áp dụng khoa học, kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, nhất là rau trái vụ. Một năm hai lứa bắp cả, cà chua cho thu nhập khoảng 60 triệu. “Trước đây, trồng ngô, trồng lúa rất vất vả. Bây giờ, trồng rau nhàn, chỉ sáng và chiều tưới, khi thu hoạch thì rất nhanh lúc là xong”, anh Lầu A Bô chia sẻ.

Đã 4 năm trôi qua, kể từ trận lũ lịch sử xảy ra đầu tháng 8/2017 trên vùng đất Nặm Păm và thị trấn Ít Ong, huyện Mường La. Trận lũ không chỉ gây thiệt hại về người, tài sản, mà còn phá hủy hầu hết diện tích đất canh tác của người dân. Từ sự chung tay, nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, cùng những đổi thay tích cực trong tư duy sản xuất của người dân vùng lũ đã mang lại một diện mạo mới trong bức tranh nông nghiệp.

Anh Lò Văn Quy ở bản Hốc, xã Nặm Păm cho hay, gia đình anh được hỗ trợ giống cây xoài để sinh kế. Trên diện tích gần 1 ha, với 400 gốc xoài, nhờ sự cần cù, ham học hỏi, gia đình anh đã chăm sóc cây xoài sinh trưởng và phát triển tốt. Từ vườn xoài đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh.

Đặc biệt, nhờ áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật, mà trong một năm gia đình anh đã thu được 2 lứa xoài. So với trồng ngô, trồng sắn trước đây, cây xoài đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và cuộc sống của gia đình anh cũng ổn định từ sau trận lũ.

Để đảm bảo cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, chính quyền địa phương đã cử cán bộ khuyến nông đến hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây trồng, đặc biệt là kỹ thuật trồng cây xoài. Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường La thông tin, qua đánh giá về điều kiện nước, thổ nhưỡng, huyện xác định vùng lũ xã Nặm Păm và thị trấn Ít Ong rất phù hợp với cây ăn quả, nhất là cây xoài. Sau hơn 2 năm đưa vào trồng (cuối năm 2017 đến năm 2019), cây xoài đã bói quả. Trong niên vụ năm 2020, sản phẩm xoài đã được đưa ra thị trường; đặc biệt một số hộ có sản phẩm xoài tốt đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Với mục đích trao quyền cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong quản lý đa dạng sinh học nông nghiệp, nhằm cải tạo sinh kế và đảm bảo an ninh lương thực tại vùng núi nghèo của tỉnh Sơn La, năm 2018, Trung tâm phát triển nông thôn bền vững (SRD) phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sơn La triển khai dự án “Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học nông nghiệp cho nhóm cộng đồng nghèo nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại tỉnh Sơn La”. Dự án này được triển khai tại hai xã Muổi Nọi và Bon Phặng, huyện Thuận Châu.

Theo bà Nguyễn Thị Hòa, cố vấn kỹ thuật dự án SRD, dự án hướng tới giúp người dân biết cách chọn và sử dụng giống lúa thuần để đảm bảo an ninh lương thực. Khi sử dụng giống lúa thuần của địa phương, người dân sẽ chủ động nguồn giống, khi điều kiện biến đổi khí hậu bất lợi thì có giống để sử dụng. Bên cạnh đó, sử dụng giống lúa thuần thì khả năng thích ứng với điều kiện của địa phương tốt hơn giống lúa lai. Mặt khác, việc canh tác phù hợp hơn về chất đất và phân bón.

Đến nay, dự án bước đầu đã phục tráng được 2 giống lúa bản địa; các học viên đã áp dụng kỹ thuật canh tác lúa, giúp giảm chi phí phân bón hóa học, giống... góp phần tăng thu nhập so với canh tác truyền thống. Từ hiệu quả của mô hình này đã có tác động tích cực tới tư duy, nhận thức của người dân đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong việc đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật vào canh tác lúa, mang lại giá trị và hiệu quả cao hơn trên một đơn vị canh tác.

Ông Cà Văn Pản, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu cho biết, áp dụng kỹ thuật canh tác lúa hiện nay đem lại hiệu quả cao hơn. Trước đây, trồng lúa dày nhưng không ra nhánh, nhưng nay áp dụng phương pháp mới, trồng lúa thưa và ra rất nhiều nhánh; bón ít phân nhưng hiệu quả cao hơn so với trước.

Các dự án, đề tài khoa học và những tiến bộ khoa học, kỹ thuật được triển khai, ứng dụng cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn nhiều khó khăn đã tạo nên làn gió mới trong sản xuất nông nghiệp ở Sơn La. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống của người dân nơi đây.

Nguyễn Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm