Đầu máy của toa tàu Cát Linh – Hà Đông trong đợt triển lãm tháng 10/2015 tại triển lãm Giảng Võ. Ảnh: TTXVN |
Trên địa bàn Hà Nội, hiện đang thi công Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông; Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Đây là hai dự án đường sắt đô thị đầu tiên được triển khai, là hai công trình quan trọng của Hà Nội và cả nước, luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để sớm được hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại Thủ đô.
Qua kiểm tra, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 90% khối lượng xây lắp. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đến nay đã hoàn thành khoảng 30% khối lượng xây lắp. Về tiến độ, dù đã nhiều lần được điều chỉnh nhưng cả hai dự án đều chậm so với yêu cầu nên ảnh hưởng đến việc giảm ùn tắc giao thông tại Thủ đô Hà Nội.
Để bảo đảm chất lượng, an toàn và tiến độ triển khai dự án, sớm đưa hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội vào hoạt động, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ.
Phối cảnh đường sắt đô thị khi hoàn thành |
Đối với đoạn Cát Linh - Hà Đông, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt và các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; bảo đảm: phần xây lắp, trang trí kiến trúc khu Depot hoàn thành trước ngày 31/3/2017; phần lắp đặt thiết bị hoàn thành trước ngày 31/7/2017; đóng điện toàn tuyến trước ngày 1/9/2017; vận hành thử nghiệm toàn tuyến Cát Linh - Hà Đông theo đúng kế hoạch vào ngày 30/9/2017.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo tuyển chọn tư vấn nước ngoài độc lập, có đủ năng lực đánh giá an toàn hệ thống trước và trong quá trình vận hành chạy thử. Thực hiện tổng kiểm tra toàn bộ công trình trước khi chạy thử để bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Còn đối với đoạn Nhổn - ga Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo quyết liệt, xử lý dứt điểm các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu... Đặc biệt, đối với 4 km đường ngầm, cần tập trung giải quyết triệt để các vướng mắc để sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng tại 4 ga ngầm; chỉ đạo sát sao các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ trong quá trình thi công, bảo đảm chất lượng, tuyệt đối an toàn và tiến độ theo đúng kế hoạch.
Lộ trình tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông. Giá vé chưa được công bố, tuy nhiên, người dân có thể tham khảo giá vé tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên tại TP HCM, được đơn vị tư vấn đề xuất là 15.000 đồng. Đây cũng có thể là mức mà các cơ quan chức năng ngành giao thông và TP Hà Nội có thể xem xét. |
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động; đặc biệt bảo đảm an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông. Trong quá trình thi công, Bộ Giao thông Vận tải và UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt quy định về an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và phòng cháy, chữa cháy gắn với bảo đảm chất lượng công trình.
Về bảo đảm chất lượng công trình, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức dự toán xây dựng phù hợp với tính chất đặc thù của các dự án đường sắt đô thị. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng tăng cường hướng dẫn, kiểm tra chất lượng và công tác quản lý chất lượng, đảm bảo công trình được thi công đáp ứng yêu cầu thiết kế; thực hiện nghiệm thu và kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư, các nhà thầu theo đúng quy định pháp luật.
Đường sắt đô thị Hà Nội- Cát Linh nhìn từ trên cao. Ảnh: TTXVN |
Về kiến trúc công trình, Bộ Giao thông Vận tải và UBND thành phố Hà Nội lưu ý chất lượng kiến trúc công trình; đặc biệt, phải coi công trình nhà ga đường sắt đô thị là công trình văn hóa, cần bảo đảm thẩm mỹ, văn hóa và tiện lợi nhất cho hành khách.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần chủ động nghiên cứu cơ chế huy động nguồn lực xã hội trong nước hoặc nước ngoài thông qua các hình thức đối tác công - tư để triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị còn lại theo quy hoạch; tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia triển khai dự án, nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giảm chi phí xây dựng, phát triển năng lực doanh nghiệp trong nước.