Tại Nhật Bản, giá cả các mặt hàng thông dụng đang leo thang trong khi tiền lương tăng chậm khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng. Tuy nhiên, sôcôla có thể là một mặt hàng ngoại lệ khi Ngày Valentine (Ngày lễ tình nhân) đang đến gần.
Giống như nhiều mặt hàng thực phẩm khác, giá sôcôla đắt hơn trong năm nay bởi các nguyên liệu sản xuất mặt hàng này như ca cao và đường đều tăng giá trong bối cảnh lạm phát leo thang trên toàn cầu.
Theo một cuộc khảo sát do một viện nghiên cứu thực hiện, giá một thanh sôcôla cao hơn khoảng 7% so với một năm trước. Đối với những người "nghiện" sôcôla do các thương hiệu nước ngoài nổi tiếng sản xuất, đồng yen Nhật giảm giá khiến mặt hàng không thể thiếu trong ngày Valentine này trở nên đắt đỏ hơn.
Trong tháng 2, nhu cầu sôcôla tăng ở Nhật Bản, khi nhiều phụ nữ mua sôcôla để tặng người yêu hoặc bạn bè trong Ngày Valentine. Theo dữ liệu của chính phủ, chi tiêu trung bình của một hộ gia đình dành cho sôcôla trong tháng 2 tăng gần gấp đôi so với những tháng khác trong năm, lên tới khoảng 1.200 yen (9 USD) trong 2 năm qua, ngay cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đồng yen giảm giá mạnh vào cuối năm 2022, đặc biệt là so với đồng USD, đã đẩy giá nhập khẩu cao hơn. Theo công ty nghiên cứu Teikoku Databank Ltd, mặt hàng sôcôla thuộc các thương hiệu nước ngoài nhập khẩu vào Nhật Bản tăng trung bình 33 yen/thanh so với năm ngoái, cao gần gấp đôi so với sôcôla sản xuất trong nước.
Có nhiều ý kiến lo ngại giá cả leo tháng có thể khiến người tiêu dùng ở Nhật Bản siết chặt hầu bao. Tuy nhiên, người dân Nhật Bản đang háo hức thực hiện những việc mà họ bỏ lỡ trong những năm đại dịch COVID-19 như đi du lịch, đi ăn tối với bạn bè và tận hưởng các dịch vụ giải trí. Theo các nhà kinh tế, việc tăng chi tiêu vào những dịp đặc biệt như Ngày Valentine cũng là điều dễ hiểu.
Một nhân viên làm việc tại một siêu thị nói: "Số ca mắc COVID-19 đang giảm và mọi người đã ra ngoài. Chúng tôi đang bận rộn do nhu cầu đối với các mặt hàng liên quan Ngày Valentine tăng rất cao".
Nhà kinh tế Kota Suzuki thuộc công ty Daiwa Securities cho biết: “Nhu cầu về dịch vụ dự kiến sẽ tiếp tục trong một khoảng thời gian và mọi người dường như sẵn sàng chi tiêu vào những dịp đặc biệt. Tuy nhiên, thu nhập thực tế không tăng, nghĩa là những gì mọi người hiện có hạn chế hơn, do đó họ sẽ tiếp tục chọn mua những mặt hàng hằng ngày rẻ hơn và hạn chế mua hàng hóa lâu bền".
Tuy nhiên, hiện tượng mà các nhà kinh tế học gọi là "chi tiêu dịp đặc biệt" sẽ diễn ra như thế nào vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Minh Châu