Niên vụ sản xuất lúa 2019-2020, nông dân trên địa bàn các huyện Trần Đề, Long Phú... chịu thiệt hại lớn bởi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Nhiều diện tích lúa vụ Đông Xuân muộn bị mất trắng khiến nhiều hộ dân lao đao khi đây được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn cả về năng suất lẫn giá bán.
Để chủ động trong vụ sản xuất 2020-2021 được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã chủ động chuyển dịch cơ cấu vụ sản xuất, xuống giống lúa vụ Hè Thu sớm hơn so với các năm trước, nhằm hạn chế sức ảnh hưởng và tác động của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn.
Ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo và khuyến cáo bà con nông dân trong tỉnh xuống giống sớm hơn lịch thời vụ hàng năm 1 tháng, để thời điểm thu hoạch lúa vụ Đông Xuân chính vụ đúng vào thời điểm trước và sau Tết. Đặc biệt, khuyến cáo nông dân không sản xuất lúa vụ 3 do mức độ rủi ro quá lớn.
Trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt và hạn chế thấp nhất thiệt hại trong quá trình sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vào mùa khô, Ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã tập trung tuyên truyền đến người dân nắm rõ các diễn biến thời tiết trong vụ sản xuất; từ đó, chủ động phòng, tránh các tác hại đến sản xuất và đời sống, chủ động ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra.
Để đảm bảo hiệu quả kinh tế trong vụ mùa sản xuất, ngành nông nghiệp Sóc Trăng cũng đưa ra khuyến cáo chung cho nông dân trên địa bàn tỉnh về lịch xuống giống.
Theo đó, lịch xuống giống trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được chia làm 3 đợt gồm: Đợt 1: nông dân sẽ xuống giống vào cuối tháng 4 (dương lịch), chiếm 15% diện tích với khoảng 21.000ha, chủ yếu ở những vùng chủ động được nguồn nước tưới tiêu, khu vực có nguồn nước ngọt, một phần thuộc diện tích các huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị và thị xã Ngã Năm.
Đợt 2, nông dân sẽ xuống giống trong tháng 5 (dương lịch), chiếm khoảng 45% với diện tích khoảng 63.000ha, tập trung xuống giống hầu hết ở các huyện Châu Thành, Kế Sách và một phần diện tích ở các huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị, Long Phú và thị xã Ngã Năm.
Đợt 3 sẽ kết thúc gieo sạ trong tháng 6 (dương lịch), chủ yếu ở diện tích 57.200ha tập trung tại các huyện Mỹ Xuyên, Trần Đề, Thạnh Trị, Châu Thành, một phần huyện Long Phú, thành phố Sóc Trăng. Những diện tích lúa ở các địa phương của tỉnh Sóc Trăng xuống giống chậm hơn các địa phương khác la do địa hình thuộc vùng gò đất cao, một số diện tích còn chịu ảnh hưởng của mặn, chưa chủ động được nguồn nước, phụ thuộc vào nguồn nước mưa…
Tính đến nay, nông dân Sóc Trăng đã xuống giống lúa vụ Hè Thu khoảng 80.000 ha/141.000 ha kế hoạch. Hướng đến tương lai với những cánh đồng lúa 2 vụ ăn chắc, nông dân Sóc Trăng đẩy mạnh chuyển đổi lịch sản suất sớm hơn cho với mọi năm, đồng thời cũng tích cực trồng các loại cây trồng hiệu quả, cho giá trị kinh tế lớn, thích ứng với hạn mặn và tránh được những vụ sản xuất 3 trong hồi hộp và đứng trước nguy cơ mất trắng.
Ghi nhận tại các địa phương đang xuống giống lúa dễ dàng nhận thấy, các giống lúa thơm, đặc sản tiếp tục được nông dân Sóc Trăng chọn xuống giống nhiều trong vụ lúa Hè-Thu, chủ yếu là các giống OM, Đài Thơm, ST…Vụ sản xuất năm nay, giống lúa đặc sản ST được nông dân các huyện lựa chọn để sản xuất do sức hấp dẫn về thị trường, năng suất lẫn giá bán.
Ông Trương Minh Nhất, nông dân ở xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên) chia sẻ, năm nay, khoảng 5 công (5.000m2) được gia đình chọn xuống giống. Hy vọng, thời tiết tốt, giá cả hấp dẫn thì sẽ được cân nhắc chọn sản xuất tiếp trong những vụ tới.
Trước đó, trong niên vụ 2019-2020, bất chấp những khuyến cáo của ngành chức năng về tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn gay gắt, nông dân nhiều địa phương của tỉnh Sóc Trăng vẫn xuống giống sản xuất lúa vụ 3, khiến hàng ngàn ha lúa bị chết khô. Sóc Trăng cũng là một trong 07 tỉnh tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Chanh Đa