Xuống giống vụ Hè Thu 2020 đồng loạt để né rầy, né hạn đầu vụ

Xuống giống vụ Hè Thu 2020 đồng loạt để né rầy, né hạn đầu vụ
Nông dân đẩy nhanh tiến độ xuống giống vụ lúa Hè Thu 2020. Ảnh: Nguyễn Văn Trí – TTXVN
 Nông dân đẩy nhanh tiến độ xuống giống vụ lúa Hè Thu 2020.
Ảnh: Nguyễn Văn Trí – TTXVN
Theo Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, tổng diện tích dự kiến sản xuất vụ Hè Thu năm 2020 của tỉnh An Giang là hơn 250.100 ha; trong đó lúa 230.000 ha, rau màu hơn 20.100 ha. Tính đến ngày 22/4/2020, An Giang đã xuống giống lúa Hè Thu 2020 được hơn 160.800 ha, đạt 69,92% so với kế hoạch xuống giống. So với cùng kỳ năm 2019, An Giang đã xuống giống sớm hơn 79.000 ha; trong đó có hơn 29.000 ha nếp; rau màu xuống giống được hơn 6.100 ha, đạt 30% diện tích kế hoạch. Căn cứ vào tình hình khí tượng, thuỷ văn và khung lịch thời vụ của Cục Trồng trọt cho từng khu vực đồng bằng sông Cửu Long; thời gian xuống giống tại An Giang theo từng tiểu vùng để tránh diễn biến phức tạp trước diễn biến của rầy nâu trên đồng ruộng... Trong vụ lúa Hè Thu 2020, ngành nông nghiệp An Giang xác định cơ cấu giống gồm 4-5 giống lúa chủ lực, 4-5 giống lúa bổ sung và vài giống lúa triển vọng mới, cơ cấu một giống không quá 20%. Tỉnh phấn đấu 80% giống lúa chất lượng cao, giống lúa có gạo phẩm cấp thấp như IR50404, trồng giới hạn trong tỷ lệ không quá 15-20%. Vụ Hè Thu 2020, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang cũng khuyến cáo sản xuất, khả năng tiêu thụ thị trường xuất khẩu gạo năm 2020 nên đề xuất các nhóm giống lúa chủ lực cho sản xuất vụ Hè Thu 2020 như nhóm giống cao sản chất lượng cao OM4900, OM9582, OM6976, OM5451, LT1, LT18....; khuyến khích trồng nhóm giống lúa thơm và lúa nếp như đài thơm 8, Jasmine 85, nàng hoa 9, nếp CK92, nếp CK 2003 khi có hợp đồng tiêu thụ; giống bổ sung như: IR 50404, OM18... Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang cũng khuyến khích xuống giống nhóm giống lúa có triển vọng cho vụ Hè Thu 2020 có thể thay thế các giống lúa không còn phù hợp trong sản xuất tại địa phương như Lộc trời 7, OM 9577, nhóm giống lúa ST. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đề nghị không sản xuất tràn khi không có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, sản xuất kết hợp doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và giống không phù hợp với quy hoạch của địa phương như nhóm giống luá Japonica.... Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đã khuyến cáo khung lịch thời vụ xuống giống vụ Hè Thu 2020 trong toàn tỉnh bắt đầu từ ngày 10/3 đến ngày 25/5; trong đó, xuống giống né hạn chia làm 3 đợt gồm đợt 1 từ ngày 10/3 đến 31/3 ở những vùng thu hoạch lúa Đông Xuân sớm; đợt 2 xuống giống đại trà từ ngày 1/4 đến 30/4 đối với vùng sản xuất lúa 3 vụ/năm và đợt 3 xuống giống từ ngày 1/5 đến 20/5 tại các tiểu nằm trong kế hoạch xả lũ vụ Thu Đông 2020. “An Giang cũng lên lịch xuống giống đồng loạt, tập trung và né rầy chia làm 2 đợt như: Đợt 1, xuống giống tập trung từ ngày 18/3 đến 28/3 ở những vùng thu hoạch Đông Xuân sớm tập trung ở các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, An Phú, Châu Phú và Long Xuyên; đợt 2 xuống giống dứt điểm từ ngày 15/4 đến 21/4 ở những vùng thu hoạch Đông Xuân đại trà và muộn ở các huyện Phú Tân, Châu Thành, Thoại Sơn”, ông Hiền thông tin. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo tuỳ theo tình hình rầy nâu vào bẫy đèn ở từng địa phương mà có lịch xuống giống vụ Hè Thu 2020 cụ thể, nhưng phải tuân thủ lịch xuống giống đồng loạt, tập trung né rầy và theo khung lịch thời vụ chung của tỉnh;trong đó, tỉnh cũng lưu ý trên cùng một tiểu vùng không để nhiều trà lúa đan xen nhau... Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, do vụ Hè Thu 2020 xuống giống trong điều kiện thời tiết khô hạn, thiếu nước vào đầu vụ, khả năng mưa nhiều vào giữa vụ và cuối vụ nên gặp khó khăn trong sản xuất, dự báo xuất hiện một số dịch hại như rầy nâu, muỗi hành, đạo ôn, cháy bìa lá... “Ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp; thực hiện các giải pháp ba giảm, ba tăng; một phải, năm giảm; chú ý lượng giống gieo sạ từ 80 - 100 kg/ha; trong đó chú trọng áp dụng tốt giải pháp tưới nước tiết kiệm để giảm lượng nước bơm tưới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh thái - trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn du thiên địch nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ . . . “, ông Lâm thông tin. Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, ngành nông nghiệp tỉnh cũng thường xuyên theo dõi diễn biến nguồn nước, độ mặn trên các sông, kênh rạch, nhất là khu vực miền núi, vùng giáp ranh với tỉnh Kiên Giang; tăng cường kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm, hướng dẫn nông dân xử lý các đối tượng dịch hại và có biện pháp ứng phó kịp thời khi ảnh hưởng của hạn, mặn để bảo vệ năng suất lúa tốt hơn. Hiện ngành nông nghiệp An Giang cũng đã xác định khu vực ảnh hưởng của hạn, mặn như: Tri Tôn, Tịnh Biên... nên khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa có tính chống chịu mặn như OM5451, OM6976, OM2517, OM6162... cho vụ Hè Thu 2020; tăng cường bón bổ sung phân bón có hàm lượng lân, canxi, silic cao hoặc phun chất điều hòa sinh trưởng thực vật Rassinolide để giảm độ mặn, tăng tính chống chịu mặn cho cây trồng. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, vụ Đông Xuân 2019-2020, An Giang đã xuống giống được hơn 248.200 ha; trong đó lúa, nếp hơn 229.400 ha và rau màu gần  19.000 ha. Ước sản lượng lúa, nếp là 1.680.000 tấn, trong đó 1.355.000 tấn lúa và 325.000 tấn nếp. Tính đến ngày 22/4/2020, An Giang thu hoạch được 225.198 ha vụ Đông Xuân, đạt 98,2% diện tích xuống giống, ước năng suất 7,35 tấn/ha, so với cùng kỳ 2019 thu hoạch nhiều hơn 34.000 ha và năng suất cao hơn 0,2 tấn/ha. Vụ Đông Xuân 2019 -2020 đã có 18 doanh nghiệp thực hiện liên kết tiêu thụ gần 11.800 ha, đạt 33,5% kế hoạch. Hiện nay, tỉnh An Giang gần như kết thúc vụ Đông Xuân với năng suất, sản lượng đều tăng so với dự kiến. Mặc dù ảnh hưởng của COVID-19 nhưng tất cả các diện tích lúa và nếp tại An Giang đã được thương lái thu mua ổn định không có tồn đọng với giá tăng từ 700 đồng/kg đến 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Cụ thể, lúa chất lượng cao tăng 600 đồng/kg đến 800 đồng/kg, lúa IR50404 tăng 800 đồng/kg đến 1.000 đồng/kg, nếp tăng 700 đồng/kg đến 1.000 đồng/kg…
Thanh Sang

Có thể bạn quan tâm