Sóc Trăng nâng cao năng suất lúa đặc sản

Sóc Trăng nâng cao năng suất lúa đặc sản

Để vực dậy tiềm năng cây lúa, khẳng định thương hiệu "hạt ngọc" Sóc Trăng trên thị trường trong và ngoài nước, tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu nâng cao năng suất lúa và tập trung phát triển các giống lúa đặc sản nhằm nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích, gia tăng thu nhập cho nông dân. 

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 xây dựng 21 vùng nguyên liệu lúa đặc sản có liên kết tiêu thụ tại các huyện, thị xã; 80 mô hình canh tác lúa đặc sản thích ứng biến đổi khí hậu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và 5 nhãn hiệu cho hợp tác xã sản xuất lúa đặc sản của tỉnh Sóc Trăng.

Riêng năm 2023, Sóc Trăng phấn đấu sản lượng lúa đạt 2 triệu tấn; trong đó, lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 92%.

Sóc Trăng nâng cao năng suất lúa đặc sản ảnh 1Cánh đồng lúa thơm đặc sản. Ảnh: nongnghiep.vn

Để đạt được mục tiêu này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Giám đốc Dự án phát triển sản xuất lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng Trần Tấn Phương cho biết, việc phát triển sản xuất lúa đặc sản thực hiện trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố gồm: các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Mỹ Tú, Châu Thành, Long Phú, Kế Sách, thị xã Ngã Năm và thành phố Sóc Trăng. Bên cạnh đó, tỉnh củng cố và nâng cao chất lượng 50 hợp tác xã trồng lúa đặc sản; trong đó, có 20 hợp tác xã sản xuất giống.

Ngành nông nghiệp thực hiện việc sản xuất lúa nguyên chủng để phục vụ nhân giống; nghiên cứu khảo nghiệm các dòng, giống lúa đặc sản chất lượng cao; hỗ trợ mạng lưới cấp giống xác nhận tại các câu lạc bộ, tổ giống; xây dựng nhiều mô hình trình diễn giống lúa mới và tổ chức nhiều hội thảo để nông dân so sánh, đánh giá tính thích nghi, sinh trưởng, phát triển, khả năng chống chịu sâu bệnh và năng suất của các giống trình diễn, từ đó chọn ra những giống thích nghi tốt với điều kiện của địa phương và cơ cấu giống sản xuất của vùng.

Cùng với đó, Sóc Trăng chuyển đổi cơ cấu giống từ lúa thường, lúa phẩm cấp thấp sang giống lúa thơm đặc sản, ứng dụng quy trình canh tác lúa theo hướng hữu cơ, an toàn. Nhiều dự án, chủ trương được triển khai đồng bộ với đề án phát triển vùng canh tác lúa đặc sản của tỉnh Sóc Trăng như: phát triển mô hình cánh đồng mẫu, cánh đồng mẫu canh tác một loại giống, cánh đồng lớn; đề án tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn tỉnh Sóc Trăng; dự án phục hồi giống lúa tài nguyên mùa Thạnh Trị… 

Bên cạnh xây dựng cánh đồng lớn để tập trung phát triển lúa đặc sản, ngành nông nghiệp tỉnh còn xây dựng các mô hình sản xuất mang tính bền vững như: 3 giảm – 3 tăng, 1 phải – 5 giảm, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, mô hình VietGAP trên lúa, mô hình sản xuất lúa đặc sản gắn với liên kết tiêu thụ...

Sóc Trăng nâng cao năng suất lúa đặc sản ảnh 2Gạo thơm Sóc Trăng lọt vào danh sách 100 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng. Ảnh:TTXVN

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, để đẩy mạnh liên kết tiêu thụ cho lúa đặc sản của tỉnh, việc xúc tiến thương mại cho thương hiệu gạo Sóc Trăng được ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đặc biệt quan tâm; trong đó, tổ chức các buổi hội thảo liên kết tiêu thụ giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác với công ty, doanh nghiệp. Các mô hình ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất, sử dụng giống chất lượng cao cũng phát huy hiệu quả nên sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn, thu hút sự quan tâm ký kết từ doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với giá thu mua cao hơn thị trường.

Năm 2022, diện tích gieo trồng lúa của Sóc Trăng đạt 332.767 ha; sản lượng đạt trên 2 triệu tấn; trong đó, sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm 91,64%, một số giống lúa được gieo trồng chủ yếu như: ST, Tài nguyên, RVT, Đài thơm 8... Tỉnh đã xây dựng 21 vùng nguyên liệu lúa đặc sản, diện tích mở mới là 2.100ha; xây dựng 14 điểm mô hình canh tác lúa đặc sản thích ứng biến đổi khí hậu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm...

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm