Dự án "Tổng tập văn học dân gian Nam Bộ" là một trong những công trình nghiên cứu đầu tiên được đề xuất để Quỹ Hoa Sen tài trợ, thuộc chương trình "Tìm về nét Việt".
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng giới thiệu về dự án biên soạn tổng tập văn học dân gian Nam Bộ |
Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, công trình biên soạn “Tổng tập văn học Nam Bộ” gồm 6 tập, mỗi tập trong bộ Tổng tập là tiểu luận giới thiệu khái quát về từng thể loại trực thuộc và là một bộ sưu tập các văn bản tác phẩm. Trong đó, Tập 1 là Truyện kể dân gian Nam bộ; tập 2 là Ca dao Nam bộ; tập 3 là Vè và thơ vè lịch sử xã hội Lục tỉnh Nam Kỳ; tập 4 là Truyện thơ; tập 5 là Tuồng và thơ tuồng dân gian Nam bộ; tập 6 là Tục ngữ và câu đố.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng giao lưu cùng bạn đọc tại đường sách Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh:Yến Thanh/DT&MN |
Qua những chuyến đi thực tế tại nhiều tỉnh thành Nam bộ, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng đã tuyển chọn thêm từ nguồn ấn phẩm đã xuất bản từ năm 2018 về trước. Trong đó, có cả những tác phẩm do ông sưu tầm lần đầu tiên được công bố rộng rãi. Phần cuối của Tổng tập là các bảng tra cứu về từ địa phương; bảng tra cứu địa danh, nhân danh và bảng tra cứu điển tích. Cuối cùng là Thư mục sách, tài liệu sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian Nam bộ. Đây là tư liệu vô cùng ý nghĩa hỗ trợ cho việc học tập, nghiên cứu, tìm hiểu, góp phần làm phong phú kho tàng văn học dân gian Nam bộ nói riêng và của dân tộc nói chung về văn hóa, phong tục, con người... vùng đất Nam bộ.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng giao lưu cùng bạn đọc tại đường sách Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh:Yến Thanh/DT&MN |
Chia sẻ về dự án của mình, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho biết: Khi tiến hành dự án, hiện đã lên đến mười mấy tập bởi có những tập khối lượng lượng thông tin là rất lớn. Việc sưu tập được tiến hành bằng cách chọn lọc, tuyển chọn để phân loại theo tập phù hợp. Công việc này mất khá nhiều thời gian bởi tri thức là vô hạn nên việc chọn lọc, sửa chửa cần sự tập trung và tham khảo nhiều nguồn tư liệu tin cậy.
"Việc biên soạn có 8 công đoạn thì bên cạnh công đoạn xử lý tư liệu - công đoạn 7, có thể nói công đoạn thứ 8 là công đoạn quan trọng nhất - công đoạn hoàn thiện. Đó là công đoạn lý giải và sắp xếp nhất quán các thể loại, lý giải được lịch sử, nguồn gốc và nội dung. Một công trình biên soạn thành công là công trình thực hiện được ba điều: bổ sung cái thiếu, điều chỉnh cái sai và phát hiện ra cái mới", nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ thêm.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chụp ảnh kỷ niệm cùng các khách mời tham gia chương trình tại buổi báo cáo kết quả ban đầu công trình biên soạn dự án "Tổng hợp văn học dân gian Nam bộ". Ảnh:Yến Thanh/DT&MN |
Dự án "Tổng tập văn học dân gian Nam bộ" của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng được thực hiện trong thời gian 3 năm từ năm 2017 đến năm 2019. Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng (sinh năm 1952), quê quán tại tỉnh Quảng Ngãi, nguyên là nghiên cứu viên của Phân viện Văn hóa nghệ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, đề tài khoa học về phong tục tập quán, văn hóa dân gian Nam bộ như: Đình Nam bộ xưa và nay, Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần, Sài Gòn - Gia Định Ký ức lịch sử văn hóa...
ĐÔI NÉT VỀ QUỸ HOA SEN
Quỹ Hoa Sen thành lập vào ngày 28/12/2016, theo Quyết định của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ra đời nhằm góp phần thúc đẩy giáo dục khai phóng, giáo dục không vì lợi nhuận và bảo tồn văn hóa, được vận hành dựa trên tính minh bạch, công bằng, chuyên nghiệp. Hoạt động chính của Quỹ: - Tìm kiếm những chương trình và dự án cần tài trợ và phù hợp với sứ mệnh và giá trị của Quỹ; giúp kết nối với các nguồn hiến tặng tương xứng, tiếp cận các nguồn lực cộng đồng (crowd-sourcing). - Tìm kiếm cá nhân và tổ chức có thiện ý hiến tặng phù hợp với sứ mệnh của Quỹ; giúp điều phối nguồn hiến tặng cho các chương trình và dự án phù hợp. - Tổ chức và thực hiện các chương trình chuyên đề, tạo khung tương tác và phối hợp cho các bên liên quan. - Kết nối với mạng lưới các cá nhân và tổ chức thiện nguyện để tăng cường chuyên môn hóa trong vận hành. Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, gắn với sứ mệnh được đề ra, Quỹ Hoa Sen dự kiến triển khai 5 chương trình sau: - “Ươm mầm khai sáng”: tài trợ các hoạt động mở rộng nhận thức về giáo dục khai phóng, hoạt động quảng bá tri thức nhân loại, bao gồm hoạt động khuyến đọc, khuyến học, dịch thuật và giới thiệu các tác phẩm có giá trị tư tưởng văn hóa nền tảng và thực chứng của nhân loại. - “Tìm về nét Việt”: tài trợ các dự án, chương trình, công trình liên quan tới bảo tồn văn hóa lịch sử kiến trúc địa phương. - “San sẻ yêu thương”: tài trợ các hoạt động thiện nguyện hiệu quả của những nhóm, tổ chức xã hội thiện nguyện ở địa phương, tài trợ các hoạt động ủng hộ và thực thi giáo dục không-vì-lợi-nhuận. - “Vươn tới chân trời”: tài trợ các hoạt động ứng dụng các phương thức mới trong dạy và học, nghiên cứu khoa học của thày cô giáo các cấp và sinh viên đại học. - “Chắp cánh ước mơ”: tài trợ việc tham gia các khóa học nâng cao trình độ chuyên môn của thầy cô giáo các cấp và sinh viên đại học. |
Yến Thanh/Báo ảnh Dân tộc và Miền núi (TTXVN)
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN