Sắc Xuân trên vùng ATK Yên Sơn

Đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng... ở các xã vùng ATK Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang chào đón năm mới trong niềm vui, sự phấn khởi trước những đổi thay của quê hương. Cuộc sống người dân vùng căn cứ cách mạng xưa đang dần "thay da, đổi thịt", ngày một ấm no, đủ đầy hơn...

vna_potal_doi_thay_vung_dat_atk_yen_son_tuyen_quang_7187489.jpg
Các phòng học ở xã Kim Quan được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Quang Cường – TTXVN

Đến với các xã trong khu vực ATK Yên Sơn, điều dễ nhận thấy sự thay đổi của vùng quê cách mạng là cùng với tuyến đường nhựa rộng rãi, phẳng phiu được Nhà nước đầu tư xây dựng đi qua 7 xã (Phú Thịnh, Đạo Viện, Công Đa, Trung Sơn, Hùng Lợi, Kim Quan, Trung Minh), các tuyến đường liên thôn, liên xã đã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa phát triển. Đến nay, điện lưới quốc gia đã thắp sáng hầu kết các thôn, bản. Các trường học, trạm y tế được xây dựng kiên cố.

Từng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Sơn, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, xã Kim Quan đang từng ngày phát triển. 100% đường trục xã, đường ngõ xóm, đường nội đồng của xã đã được cứng hóa. Hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản. Trường học trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế… Đến hết năm 2023, xã Kim Quan đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

vna_potal_doi_thay_vung_dat_atk_yen_son_tuyen_quang_7187487.jpg
Những ngôi nhà kiên cố được xây dựng tại xã Trung Minh (Yên Sơn, Tuyên Quang). Ảnh: Quang Cường – TTXVN

Ông Ma Văn Dần, thôn Làng Hản, xã Kim Quan cho biết, đường giao thông trong thôn đã được bê tông hóa 100%, người dân đi lại thuận lợi hơn nhiều, có điện lưới và nước sạch để sinh hoạt. Hệ thống kênh mương được đầu tư xây dựng phục vụ sản xuất, đời sống của người dân trong thôn ngày càng được cải thiện.

Ông Dương Đức Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Quan phấn khởi cho biết, năm 2021, xã Kim Quan về đích nông thôn mới và được tỉnh Tuyên Quang lựa chọn là một trong 5 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao. Để hoàn thành kế hoạch được giao, tranh thủ những nguồn lực được Nhà nước hỗ trợ, xã tiếp tục đầu tư, xây dựng các tuyến đường giao thông, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.

vna_potal_doi_thay_vung_dat_atk_yen_son_tuyen_quang_7187493.jpg
Cầu bê tông bắc qua sông Phó Đáy giúp người dân thôn Bum Kẹn, xã Hùng Lợi (Yên Sơn, Tuyên Quang) đi lại thuận tiện hơn. Ảnh: Quang Cường – TTXVN

Năm 2023, tổng sản lượng lương thực quy thóc của xã Kim Quan đạt trên 2.100 tấn. Xã đã tạo việc làm mới cho 156 người; duy trì thương hiệu sản phẩm OCOP 04 sao chè Ngọc Thúy, Kim Quan. Tổng thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 51 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,93%...

Đầu năm 2023, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn được Nhà nước quan tâm đầu tư đưa điện lưới quốc gia phục vụ người dân ba thôn Khuẩy Ma, Tấu Lìn và Bum Kẹn với tổng vốn đầu tư trên 27,5 tỷ đồng. Từ khi có điện lưới quốc gia, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã được cải thiện.

vna_potal_doi_thay_vung_dat_atk_yen_son_tuyen_quang_7187498.jpg
Người dân thôn Tấu Lìn, xã Hùng Lợi (Yên Sơn, Tuyên Quang) sử dụng điện lưới quốc gia phát triển sản xuất. Ảnh: Quang Cường – TTXVN

Anh Dì Văn Phúc, thôn Tấu Lìn, xã Hùng Lợi cho biết, có điện lưới làm việc gì cũng thuận lợi; con cái học hành ngày càng tiến bộ. Gia đình anh Phúc đã mua ti vi, lắp đặt internet để theo dõi, nắm bắt các thông tin thời sự, học tập kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế. Năm 2023, gia đình anh Phúc đã xây được căn nhà kiên cố trị giá trên 600 triệu đồng.

Tại thôn Bum Kẹn, xã Hùng Lợi, cây cầu bắc qua sông Phó Đáy đã hoàn thành và đưa vào sử dụng làm niềm vui của người dân nơi đây như được nhân đôi khi Tết đến, Xuân về. Ông Hoàng Văn Tuyến, Trưởng thôn Bum Kẹn phấn khởi cho biết, Tết này, người Mông, người Dao nơi đây vui nhất vì cuộc sống đã bớt khó khăn, có cầu bê tông kiên cố giúp giao thông thuận tiện. Thôn sẽ phát triển tốt hơn 200 ha rừng trồng, nuôi trâu, bò, lợn, gà… để tăng thu nhập giúp cuộc sống ổn định hơn.

vna_potal_doi_thay_vung_dat_atk_yen_son_tuyen_quang_7187506.jpg
Trồng rừng mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân xã Trung Minh (Yên Sơn, Tuyên Quang). Ảnh: Quang Cường – TTXVN

Ông Bàn Văn Thân, Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi cho biết, UBND xã đã tranh thủ tối đa các điều kiện thuận lợi, đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Năm 2023, xã đã giảm được 131 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 67% (năm 2022) xuống còn hơn 58%. Xã đã trồng mới được 170 ha rừng, duy trì diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC trên 2.400 ha... Thời gian tới, Hùng Lợi tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, phát huy tiềm năng, lợi thế, các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ, thương mại.

Nhằm tạo động lực và đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các xã vùng ATK, Trung ương, tỉnh, huyện đã ưu tiên các nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện, nâng cấp và xây dựng hạ tầng như: Giao thông, điện, trường học, trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực, thiết chế văn hóa tại các xã này. Cùng với đó, nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, việc làm, thu nhập và hỗ trợ nhân dân được triển khai hiệu quả. Đời sống của đồng bào các dân tộc tại các xã ATK Yên Sơn ngày càng khởi sắc. Điều đó càng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo đời sống người dân vùng chiến khu cách mạng.

Quang Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm