Yên Sơn đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, là giải pháp căn bản để tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là “chìa khóa” để các địa phương thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) đã đạt được nhiều kết quả trong công tác đào tạo nghề theo các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Với phương châm “dạy những cái nông dân cần”, hướng vào đối tượng người lao động tại chỗ, các lớp dạy nghề được bà con tích cực tham gia và phát huy hiệu quả.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Yên Sơn mở lớp đào tạo nghề điện kết hợp với sửa chữa máy nông nghiệp tại thôn Tấu Lìn, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Văn Thưởng
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Yên Sơn mở lớp đào tạo nghề điện kết hợp với sửa chữa máy nông nghiệp tại thôn Tấu Lìn, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Văn Thưởng

Thôn Tấu Lìn, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn nằm cách trung tâm huyện gần 70 km. Thôn chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Do địa hình, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trình độ canh tác lạc hậu, nên kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Để giải bài toán việc làm, thu nhập cho lực lượng dân số trong độ tuổi lao động, nhất là lao động người dân tộc thiểu số trong độ tuổi thanh niên, huyện Yên Sơn xác định đào tạo nghề, chuyển đổi nghề là giải pháp then chốt. Qua tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng bà con mong muốn được đào tạo những nghề thiết yếu phục vụ cho sản xuất hàng ngày của gia đình. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Yên Sơn đã mở lớp đào tạo nghề điện kết hợp với sửa chữa máy nông nghiệp cho bà con trong thôn. Thông qua lớp đào tạo nghề, người dân được trang bị kiến thức, kỹ năng sửa chữa cơ bản về điện và cũng như các loại máy trong phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhằm tăng năng suất lao động, tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội…

Gia đình Anh Dương Văn Tọa, thôn Tấu Lìn, xã Hùng Lợi, đầu tư mua máy cày để phục vụ sản xuất, nhưng mỗi lần máy móc bị hỏng thì lại phải mang đi sửa, rất mất thời gian. Vì thế, anh quyết định tham gia lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp.

Anh Dương Văn Tọa chia sẻ. “Trước đây, mình không biết gì về máy móc nên nhiều lúc máy bị hỏng không sửa được, ảnh hưởng rất lớn đến công việc sản xuất của gia đình. Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Yên Sơn tổ chức, giờ mình đã biết cách bảo dưỡng, sửa chữa máy nông nghiệp phục vụ sản xuất của gia đình”.

Ông Đỗ Ngọc Ước, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi, cho biết: Xã Hùng Lợi là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Sơn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, chủ yếu sống ở vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ hộ nghèo cao với nghề nghiệp chính là sản xuất nông nghiệp, kiến thức về những khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Do vậy việc mở các lớp đào tạo nghề cho bà con là rất cần thiết, giúp nhân dân ở những khu vực này ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Yên Sơn đã tổ chức 5 lớp học nghề triển khai ngay tại thôn, trong đó tập trung vào các thôn có đồng bào dân tộc thiểu số với các nghề như: Điện, sửa chữa máy nông nghiệp, trồng trọt, kỹ thuật chăm sóc cây chè, chăn nuôi, …

Ông Đặng Xuân Cường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Yên Sơn cho biết: Thực tế cho thấy, các lớp học có tác động tích cực đến nhận thức của người dân về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, huyện Yên Sơn đã xây dựng chương trình, kế hoạch và phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề cho bà con theo tinh thần “dạy những cái nông dân cần”, hướng vào đối tượng người lao động tại chỗ, mở các lớp đào tạo nghề ngay tại thôn, bản dưới hình thức “cầm tay chỉ việc”.

Đến nay công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đặc biệt là các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Yên Sơn đã có sự đổi mới phù hợp với điều kiện thực tế, trình độ nhận thức của người dân, việc dạy nghề theo nhu cầu sẽ giúp bà con tham gia lớp học nhanh chóng tiếp thu kiến thức và áp dụng vào thực tiễn ngay tại gia đình, đồng thời có tác động tích cực đến việc giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Văn Thưởng

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm