Ra mắt nhà kính lớn nhất thế giới trên mái nhà ở Canada

Ra mắt nhà kính lớn nhất thế giới trên mái nhà ở Canada

Hưởng ứng trào lưu xây dựng vườn treo mới nổi trong vài năm gần đây, một nhà kính nằm trên mái một kho chứa đồ tại thành phố Montreal (Canada) đã chính thức mở cửa. Không chỉ trồng cà tím và cà chua nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn cung thực phẩm ở địa phương, công trình này còn xác lập kỷ lục là nhà kính lớn nhất thế giới.

Ra mắt nhà kính lớn nhất thế giới trên mái nhà ở Canada ảnh 1Một nhà kính trên mái nhà của công ty Lufa Farms tại Montreal, Canada. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhà kính do công ty nông nghiệp đô thị Lufa Farms khánh thành rộng tới 15.000 m2, tương đương diện tích của 3 sân vận động bóng đá, nằm tại trung tâm của thành phố lớn thứ hai tại Canada, mặc dù đây vốn không phải là nơi thường được chọn để trồng các loại rau quả hữu cơ.

Đại diện của Lufa Farms - ông Thibaut Sorret cho biết sứ mệnh của công ty là nuôi trồng thực phẩm tại nơi người dân sinh sống một cách lâu dài. Công ty cũng trưng bày những quả cà tím trong đợt thu hoạch đầu tiên tại cơ sở này.

Đây là nhà kính áp mái thứ tư mà Lufa Farms xây dựng tại Montreal. Cơ sở đầu tiên được xây dựng vào năm 2011 với chi phí hơn 2 triệu CAD (tương đương 1,5 triệu USD) đã tạo nên bước đột phá mới. Kể từ đó, ý tưởng này đã được nhiều công ty nắm bắt và thực hiện, chẳng hạn như công ty Gotham Greens (Mỹ) với 8 nhà kính trên nóc được xây tại các thành phố New York, Chicago và Denver, hay công ty Urban Nature của Pháp đang lên kế hoạch xây dựng một cơ sở tương tự ở thủ đô Paris vào năm 2022.

Lufa Farms được ra đời năm 2009 với tham vọng "làm mới hệ thống thực phẩm". Tại đây, mỗi năm có hơn 100 loại rau quả và thảo mộc được nuôi trồng trong các thùng chứa nước được lót bằng xơ dừa và được bón bằng các chất dinh dưỡng lỏng. Các loài côn trùng như ong nghệ giúp cây trong vườn thụ phấn, trong khi ong vò vẽ và bọ rùa giúp ngăn chặn các loài rệp cây mà không cần đến thuốc trừ sâu.

Lượng rau quả thu hoạch mỗi tuần đủ cung cấp cho hơn 20.000 hộ gia đình. Các giỏ hàng được bán cho mỗi gia đình với mức giá tối thiểu 30 CAD. Theo ông Sorret, hệ thống "siêu thị trực tuyến" của công ty còn bán nhiều loại thực phẩm như bánh mì, mì ống, lúa gạo,... của các trang trại đối tác ở địa phương.

Ở tầng trệt của nhà kính mới được khánh thành này, một trung tâm phân phối lớn cung cấp cùng lúc gần 2.000 sản phẩm tạp hóa của công ty, trở thành nguồn cung cho cả các nhà hàng. Theo ông Sorret, hiện công ty có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho gần 2% dân số tại Montreal với hệ thống nhà kính và các trang trại đối tác. Ông cho rằng lợi thế của việc xây dựng nhà kính trên nóc là khả năng phục hồi rất nhiều năng lượng từ tầng dưới của tòa nhà, cho phép tận dụng đáng kể lượng nhiệt, đặc biệt là trong mùa Đông khắc nghiệt tại Quebec. Ông cho biết công ty sẽ tiếp tục mở rộng sang những không gian đến nay còn chưa được tận dụng hết.

Được vận hành hoàn toàn tự động, nhà kính mới này còn được trang bị một hệ thống tưới tiêu có khả năng thu gom và tái sử dụng nước mưa, giúp tiết kiệm tới 90% so với một trang trại truyền thống.

Trong thời kỳ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, doanh số của Lufa Farms đã tăng hơn gấp đôi, nhờ nguồn vận chuyển không tiếp xúc từ hệ thống siêu thị trực tuyến của công ty. Công ty tư nhân này thu lãi từ năm 2016 và đến nay có hơn 500 nhân viên, tăng khoảng 200 người so với trước khi đại dịch bùng phát.

Hiện công ty đang tiến hành nghiên cứu điện khí hóa cho các xe vận chuyển và đang trong quá trình xuất khẩu mô hình này cho các thành phố lớn khác trên thế giới, bắt đầu với 2 nước là Canada và Mỹ. Theo ông Sorret, trước khi thành lập doanh nghiệp này, các nhà sáng lập chưa từng có kinh nghiệm trồng trọt nào.

Minh Tuấn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm