Quy hoạch tốt để người dân phát triển sinh kế từ rừng

Rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam (Thuận Nam, Ninh Thuận) tạo thành lá chắn giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: Nguyễn Thành –TTXVN
Rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam (Thuận Nam, Ninh Thuận) tạo thành lá chắn giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: Nguyễn Thành –TTXVN

Trên cơ sở quy hoạch 3 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất), giai đoạn 2016 - 2025, tỉnh Ninh Thuận đã phát triển dịch vụ môi trường rừng, đa dạng hóa và mở rộng các nguồn thu phù hợp với quy định của pháp luật, góp phần tạo thu nhập, tạo sinh kế cho các hộ gia đình tham gia quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Quy hoạch tốt để người dân phát triển sinh kế từ rừng ảnh 1Rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam (Thuận Nam, Ninh Thuận) tạo thành lá chắn giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: Nguyễn Thành –TTXVN

Cải thiện sinh kế người dân

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, tổng diện tích đất có rừng của tỉnh giai đoạn 2016 - 2025 là trên 139.325 ha; trong đó rừng tự nhiên gần 132.000 ha, rừng trồng trên 7.300 ha. Năm 2017, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 43/2017/NQ-HĐND ngày 11/12/2017 phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2016 - 2025 gắn với phát triển dịch vụ môi trường rừng.

Ông Trần Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, thông qua việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong giai đoạn 2016 - 2022, tổng nguồn thu từ các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng gồm: Cơ sở sản xuất thủy điện; cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch; cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch… chi trả trên 57,9 tỷ đồng.

Qua nguồn thu này, các đơn vi có liên quan đã thực hiện chi trả tiền giao khoán bảo vệ rừng cho các tổ chức, hộ gia đình. Trung bình diện tích mỗi hộ dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng trong cộng đồng khoảng 30 ha/năm, thu nhập hằng năm của mỗi hộ từ 10 - 12 triệu đồng. Đồng thời, thông qua việc trích lại tiền thù lao nhận khoán và tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các mô hình sinh kế, người dân nhận khoán bảo vệ rừng còn có thêm việc làm từ phát triển trồng trọt, chăn nuôi dưới tán rừng.

Cùng với việc tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn, mỗi năm, người dân có thêm thu nhập từ 10 - 18 triệu đồng thông qua bán các sản phẩm làm ra thị trường. Hiện nay, một số sản phẩm nông nghiệp do chính hộ dân nhân khoán bảo vệ rừng làm ra đã tạo thương hiệu trên thị trường như bưởi da xanh, trái cây KrôngPha… Việc duy trì vốn rừng và gia tăng diện tích rừng giúp cung cấp các nguồn lâm sản và các giá trị dịch vụ môi trường rừng ổn định, từng bước phát triển các mô hình, sản phẩm du lịch sinh thái phục vụ du khách, tạo ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đáng kể điều kiện sống cho người dân địa phương, góp phần giảm nghèo, tăng sự cân đối trong phát triển kinh tế - xã hội giữa nông thôn miền núi và đồng bằng.

Thông qua xã hội hóa và đa dạng hóa các hoạt động lâm nghiệp, kết hợp các chương trình, dự án lâm nghiệp với cải thiện sinh kế của người làm nghề rừng đã góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập của đồng bào; đặc biệt là giảm thiểu được các tác động tiêu cực của người dân tới việc bảo vệ và phát triển rừng, giảm thiểu các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, bảo vệ sự đa dạng sinh học và nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Giải pháp đồng bộ

Theo đánh giá của UBND tỉnh Ninh Thuận, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển sinh kế cho người dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại và những khó khăn, thách thức phải đối mặt. Đó là, công tác quản lý thực hiện quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh giai đoạn 2016 - 2025 vẫn còn những hạn chế. Việc rà soát tích hợp thông tin về nhu cầu sử dụng rừng, đất rừng để thực hiện các dự án chưa đầy đủ, dẫn đến việc phải liên tục điều chỉnh, tích hợp bổ sung.

Tình hình vi phạm pháp luật về lâm nghiệp đã giảm mạnh so với trước đây nhưng vẫn còn xảy ra, có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp. Công tác kiểm kê, đánh giá hiện trạng rừng còn bất cập, việc cập nhật dữ liệu thông tin biến động về diện tích rừng và đất rừng của các đơn vị quản lý lâm nghiệp chưa kịp thời, dẫn đến tình trạng sai khác giữa hiện trạng thực tế so với hồ sơ quản lý rừng. Đời sống của người dân tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại vùng miền núi tuy có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Việc khai thác và sử dụng tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận vẫn chưa đạt hiệu quả theo mục tiêu, kế hoạch đề ra, nhất là tại các dự án liên doanh liên kết phát triển rừng. Công tác lập phương án kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp chuyển ra ngoài 3 loại rừng còn chậm. Công tác phối kết hợp giữa các cơ quan chuyên môn quản lý rừng và chính quyền địa phương tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng hiệu quả chưa cao…

Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, để giải quyết những tồn tại và khó khăn, thách thức trên, tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện… khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp nhằm tích hợp đồng bộ dữ liệu Quy hoạch lâm nghiệp với Quy hoạch tỉnh - Quy hoạch sử dụng đất. Các đơn vị cần nâng cao năng lực quản lý, kiểm tra, giám sát rừng, đất rừng; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, quản lý chặt chẽ các loại đất quy hoạch phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất; xây dựng phương án quản lý, sử dụng hiệu quả đất điều chỉnh ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng

UBND tỉnh Ninh Thuận tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về lâm nghiệp, nâng cao năng lực thực thi pháp luật; tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát rừng, xây dựng hệ thống quản lý, giám sát rừng thông minh phục vụ chuyển đổi số trong lâm nghiệp; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác quản lý lâm nghiệp; tăng cường hợp tác đa ngành trong quản lý lâm nghiệp, tài nguyên và môi trường; thu hút nguồn lực đầu tư vào công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Đặc biệt, tỉnh sẽ có giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng rừng, đất rừng, nhất là đối với các dự án phát triển lâm nghiệp đang triển khai thiếu hiệu quả và diện tích đất lâm nghiệp đưa ra ngoài 3 loại rừng để tạo thuận lợi phát triển sinh kế cho người dân. Tỉnh sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình dự án đầu tư vào lĩnh vực phát triển rừng trên địa bàn tỉnh; đồng thời tăng cường triển khai các hoạt động, dự án có sự tham gia của cộng đồng như: giao khoán bảo vệ rừng gắn với tạo sinh kế bền vững cho người dân; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025; các chương trình dự án trồng cây phân tán, trồng rừng thay thế; hỗ trợ phát triển các dự án nâng cao sinh kế cho người dân sống gần rừng mà không làm tổn thương nguồn lực rừng...

Tỉnh thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư vào công tác bảo vệ, phát triển rừng; nâng cao giá trị cung ứng các loại dịch vụ môi trường rừng đối với các diện tích rừng, chú trọng mở rộng các nguồn cung ứng mới như: Dịch vụ du lịch thông qua việc triển khai hiệu quả đề án du lịch sinh thái đã được phê duyệt và nguồn chi trả dịch vụ "Hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng"; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh"…

Công Thử

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm