Xác định rừng và đất rừng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm qua, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu tập trung quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nhờ đó, giúp người dân huyện Than Uyên tạo sinh kế, có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.
* Những cánh rừng thêm xanh
Là huyện cửa ngõ của tỉnh Lai Châu, Than Uyên với địa hình đồi núi rộng, thuận lợi trong việc phát triển kinh tế từ rừng. Toàn huyện hiện có gần 30.000ha rừng; trong đó, diện tích rừng tự nhiên trên 27.400ha, diện tích còn lại là rừng trồng.
Nhằm bảo vệ tốt những cánh rừng, nhiều năm qua, huyện Than Uyên thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ phát triển rừng qua việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; đưa nội dung bảo vệ rừng vào hương ước, quy ước của thôn bản, tổ dân phố, khu dân cư; tổ chức cho người dân, chủ rừng ký cam kết bảo vệ rừng.
Cùng với bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, huyện Than Uyên cũng quan tâm phát triển rừng trồng; đấu tranh, ngăn chặn những hành vi đốt, phá rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ, lâm sản trái pháp luật, góp phần phủ xanh đồi núi trọc và nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng ở địa phương.
Anh Lê Thanh Nghị, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Than Uyên cho biết, thời gian qua, hạt đã tham mưu UBND huyện Than Uyên ban hành các văn bản chỉ đạo bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Cùng đó, phổ biến giáo dục pháp luật về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của rừng, trách nhiệm bảo vệ rừng tới người dân; tổ chức ký cam kết, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tới các hộ gia đình sống gần rừng và phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường tuần tra nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
Công tác phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là vào mùa khô hanh cũng được Hạt Kiểm lâm huyện Than Uyên chú trọng. Hạt chủ động phối hợp với các xã, thị trấn rà soát các địa bàn có nguy cơ cháy rừng, từ đó xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng phù hợp; hướng dẫn nhân dân phát dọn đường băng cản lửa tại các điểm xung yếu thuộc các xã: Mường Kim, Mường Cang, Pha Mu, Tà Mung, Ta Gia, Tà Hừa. Qua đó, nhận thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân được nâng lên.
Đặc biệt từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đi vào cuộc sống, diện tích rừng trên địa bàn huyện được bảo vệ tốt hơn. Trên các sườn núi, cánh rừng ở các xã của Than Uyên đều phủ một màu xanh, góp phần bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất và cho hoạt động thủy điện, giúp giảm nhẹ thiên tai.
* Tạo sinh kế cho người dân
Bên cạnh việc bảo vệ rừng, huyện Than Uyên còn quan tâm trồng rừng sản xuất gắn lợi ích kinh tế với nâng độ che phủ rừng, giúp dân gắn bó với rừng. Huyện cụ thể hóa các đề án của UBND tỉnh Lai Châu về phát triển trồng quế, trồng cây gỗ lớn với nhiều hỗ trợ về cây giống, phân bón, công chăm sóc. Các loại cây trồng này không chỉ đem lại thu nhập cao mà khi rừng tốt, bà con còn được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần nâng cao thu nhập.
Năm 2023, toàn huyện Than Uyên trồng 100ha cây quế, cây gỗ lớn. Giai đoạn 2021 - 2023, Than Uyên chi trả trên 35 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân. Riêng năm 2023, số tiền được chi trả theo kế hoạch trên 10,4 tỷ đồng.
Ông Vũ Như Ngọc, Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Than Uyên cho hay, đã phối hợp với các địa phương thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng thay thế, chi trả dịch vụ môi trường rừng gắn với tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng có rừng. Đồng thời, phối hợp với các xã thành lập tổ tuần tra, kiểm soát để cùng với bà con nhân dân làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng. Từ việc bảo vệ, phát triển rừng đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác tiềm năng đất đai, khí hậu, nguồn nhân lực tại địa phương; ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng cao, giúp bà con gắn bó với rừng.
Điển hình xã Pha Mu - một xã có diện tích rừng lớn của huyện Than Uyên. Những năm qua, bà con trong xã luôn nâng cao ý thức bảo vệ rừng, từ nhiều năm nay trên địa bàn không còn xảy ra cháy rừng, các vụ vi phạm về rừng giảm đáng kể.
Anh Vừ A Sử, bản Huổi Bắc, xã Pha Mu chia sẻ: “Hàng năm, gia đình tôi được nhận 29 triệu tiền dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này giúp gia đình tôi rất nhiều trong cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo. Tôi cũng thường xuyên cùng cán bộ và bà con dân bản đi tuần tra bảo vệ rừng; nhờ tiền hỗ trợ bà con nhân dân có tinh thần và trách nhiệm hơn trong công tác bảo vệ rừng".
Bà Vàng Thị Sia, bản Huổi Bắc tâm sự: “Người dân ở đây rất có ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng, vì nguồn thu nhập từ rừng mang lại cuộc sống tốt hơn cho bà con”.
Ông Hoàng Phi Hùng, Chủ tịch UBND xã Pha Mu, huyện Than Uyên cho biết, nhân dân các bản trong xã đang quản lý, bảo vệ hơn 5.700ha rừng; trong đó có gần 1.000ha rừng phòng hộ. Công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn được chính quyền địa phương xác định là nhiệm vụ quan trọng cần được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục; trong đó, xã quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ rừng.
Nhờ việc quản lý bảo vệ tốt rừng, bà con nhân dân xã Pha Mu mỗi năm được hưởng hơn 5,4 tỷ đồng từ chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đây là nguồn kinh phí lớn giúp người dân có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống, giúp người dân có ý thức trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ rừng, đặc biệt góp phần đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã.
Thời gian tới, huyện Than Uyên tiếp tục lồng ghép các chương trình hỗ trợ về phát triển lâm nghiệp, đặc biệt là việc bảo vệ rừng; tiếp tục vận động các hộ dân tham gia giao khoán diện tích rừng, gắn trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong việc giữ gìn, bảo vệ diện tích rừng hiện có.
Việt Hoàng