Bám sát cơ sở, kết nối chính quyền và người dân trong bảo vệ, phát triển rừng

Bám sát cơ sở, kết nối chính quyền và người dân trong bảo vệ, phát triển rừng

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh hiện có 244 biên chế, người lao động làm việc trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, chủ yếu là làm việc trực tiếp tại các xã, phường, thị trấn. Các cán bộ Kiểm lâm địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư và người dân thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, trồng và phát triển rừng. Nhờ đó, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm theo từng năm, diện tích rừng dần tăng lên.

Bám sát cơ sở, kết nối chính quyền và người dân trong bảo vệ, phát triển rừng ảnh 1Ông Nguyễn Minh Cường, kiểm lâm địa bàn xã Đăk Tơ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum hướng dẫn cho người dân xã Đăk Tơ Re xác định ranh giới diện tích rừng quản lý, bảo vệ. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Xã Đăk Tơ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum có tổng diện tích hơn 4.600 ha rừng. Công tác quản lý, bảo vệ rừng của chính quyền và nhân dân trên địa bàn xã được chú trọng; thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, truy quét trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Vai trò của Kiểm lâm địa bàn trong việc kết nối chính quyền và người dân được đánh giá là điểm mấu chốt cho thành công của công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Hơn 10 năm nay, 18 hộ dân bà con người dân tộc thiểu số Sơ Rá (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) tại thôn Kon Jri Pen, xã Đăk Tơ Re đã nhận quản lý, bảo vệ khoảng 150 ha rừng tự nhiên trên địa bàn. Cùng với nhận quản lý, bảo vệ theo diện hộ gia đình, cộng đồng thôn đã nhận khoán quản lý, bảo vệ 15 ha rừng từ năm 2022, với 15 hộ tham gia.

Với vai trò là Kiểm lâm địa bàn xã Đăk Tơ Re, ông Nguyễn Minh Cường được giao nhiệm vụ kết nối với cộng đồng dân cư để hướng dẫn cho bà con thực hiện quản lý, bảo vệ rừng. Ông Cường đã làm việc trực tiếp với Trưởng thôn Kon Jri Pen, hướng dẫn việc phân chia người dân trong thôn đi tuần tra diện tích rừng được nhận khoán theo chu kỳ mỗi tháng 3 - 4 lần. Mỗi lần đi tuần tra, người dân được hướng dẫn đi theo tổ với khoảng 6 - 7 người. Kiểm lâm địa bàn Nguyễn Minh Cường đã trực tiếp tham gia cùng với người dân.

“Khi tham gia tuần tra cùng với bà con, tôi cùng với thôn trưởng đã hướng dẫn cho bà con mốc ranh giới tuần tra; tuyên truyền cho người dân thấy rõ được những lợi ích của rừng. Từ việc chỉ biết khai thác gỗ rừng, chặt phá rừng làm nương rẫy như trước kia, bà con đã biết bảo vệ, chăm sóc rừng vì rừng gắn liền với những lợi ích của người dân, cộng đồng dân cư”, ông Nguyễn Minh Cường chia sẻ.

Bám sát cơ sở, kết nối chính quyền và người dân trong bảo vệ, phát triển rừng ảnh 2Dưới sự hướng dẫn của kiểm lâm địa bàn, người dân xã Đăk Tơ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum tuần tra, kiểm soát diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Ông A Nguy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Tơ Re đánh giá, Kiểm lâm địa bàn có vai trò quan trọng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn đã góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng; đồng thời, tích cực vận động người dân tham gia trồng rừng. Nhờ đó, diện tích trồng rừng của địa phương luôn đạt và vượt kế hoạch, riêng năm 2023 đã trồng mới được 40,17 ha, cao hơn chỉ tiêu đề ra là 39 ha. Trong 5 năm trở lại đây, địa bàn xã không xảy ra vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp nào.

Tại xã Măng Cành, huyện Kon Plông, 5 cộng đồng dân cư thôn của xã được giao khoán quản lý, bảo vệ hơn 2.000 ha rừng. Ông U Ét Long, Kiểm lâm địa bàn xã Măng Cành cho biết, ông cùng với chính quyền địa phương, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh hướng dẫn người dân trong việc phân định ranh giới diện tích nhận quản lý, bảo vệ; hướng dẫn các cộng đồng dân cư phân nhóm tuần tra, bảo vệ rừng. Ông Long trực tiếp tham gia tuần tra với các cộng đồng dân cư để nắm bắt thông tin cụ thể. Nếu phát hiện hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, bà con sẽ kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Ông Mai Xuân Mậu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Măng Cành cho biết, cán bộ Kiểm lâm địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Không chỉ tham gia tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ rừng, cán bộ Kiểm lâm địa bàn còn tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng cùng các cộng đồng dân cư. Nhờ đó, năm 2023, địa bàn xã chỉ xảy ra một vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp có quy mô nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum phân tích, nhiệm vụ của lực lượng Kiểm lâm nói chung, Kiểm lâm địa bàn nói riêng gắn với trách nhiệm, làm việc 24/24 giờ, là đặc thù của lực lượng Kiểm lâm. Vai trò trực tiếp của Kiểm lâm địa bàn là lực lượng nòng cốt trong việc tham mưu, quản lý nhà nước ở cấp chính quyền thứ tư; truyền tải các chủ trương, chính sách, hỗ trợ người dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cán bộ Kiểm lâm địa bàn vừa tham mưu về quản lý nhà nước, vừa tham mưu đảm bảo chấp hành pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp. Các cán bộ Kiểm lâm địa bàn đã luôn cố gắng thực hiện đúng trách nhiệm của mình, đề cao tinh thần trách nhiệm, bám sát cơ sở, sát với chính quyền cấp xã để phối hợp. Đặc biệt, các cán bộ Kiểm lâm địa bàn rất gần với các cộng đồng, hộ gia đình trong việc tư vấn, hướng dẫn cho người dân công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng và trồng rừng.

Nhờ đó, góp phần làm giảm số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Từ đầu năm 2023 đến nay, ngành chức năng của tỉnh đã phát hiện 39 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, khối lượng gỗ vi phạm gần 60,3 m3, thiệt hại hơn 5,4 ha rừng; giảm 44 vụ, giảm hơn 359 m3 gỗ, giảm trên 26,6 ha rừng thiệt hại so với cùng kỳ năm 2022. Tỉ lệ che phủ rừng của tỉnh cuối năm 2023 đạt 63,12%, tăng 0,7% so với cùng kỳ.

“Chi cục Kiểm lâm sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các cán bộ Kiểm lâm địa bàn công tác, làm việc. Chi cục sẽ tham mưu cho cấp có thẩm quyền kiến nghị với Trung ương sớm có chính sách tốt hơn cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Chúng tôi kiến nghị nghề bảo vệ rừng nói chung, lực lượng Kiểm lâm chuyên trách nói riêng đưa vào danh mục nghề mang tính chất nặng nhọc vì công tác ở vùng sâu, vùng xa, khí hậu khắc nghiệt, ảnh hưởng khá lớn đến thể chất và tinh thần của họ. Qua đó, nâng cao chất lượng sống gắn với vai trò, trách nhiệm của Kiểm lâm địa bàn nói riêng, lực lượng Kiểm lâm nói chung”, ông Nguyễn Văn Nam cho biết.


Dư Toán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm