Nghị quyết số 185/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh Quảng Ninh đã phân bổ 300 tỷ đồng nguồn vốn phát triển sản xuất thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho 9 địa phương. Tuy nhiên, thực tế triển khai chương trình này gặp nhiều vướng mắc khiến người dân khó tiếp cận được vốn hỗ trợ sản xuất.
Giải ngân chậm do dân khó tiếp cận
Tại kỳ họp 19 của HĐND tỉnh Quảng Ninh đang diễn ra từ ngày 8-10/7, nhiều đại biểu cho rằng, đến nay nguồn vốn hỗ trợ này chưa được giải ngân triệt để, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Cụ thể, tính đến hết tháng 6/2024, tổng kinh phí được giải ngân mới đạt trên 35 tỷ đồng. Trong đó, huyện Đầm Hà trên 28 tỷ đồng; huyện Ba Chẽ trên 5,4 tỷ đồng; huyện Bình Liêu 1,2 tỷ đồng; huyện Tiên Yên 96 triệu đồng. Các địa phương khác chưa có đề xuất sử dụng được, đề nghị thu hồi về ngân sách với tổng kinh phí thu hồi là 264,638 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Minh Sơn cho biết: Việc chưa giải ngân được triệt để, chưa đạt được như kỳ vọng là do vướng mắc về thể chế, cơ chế chính sách, việc tổ chức thực hiện ở các địa phương còn yếu. Cụ thể, thực tế tỉnh Quảng Ninh hiện không còn địa bàn nào đặc biệt khó khăn nên không thể triển khai hỗ trợ theo nhóm cộng đồng theo quy định.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh cho rằng, vướng mắc là do các quy định, định mức kinh tế kỹ thuật, đặc biệt là quy trình sản xuất do các bộ, ngành ban hành khiến khó triển khai, khó đặt hàng cho các đơn vị sự nghiệp, đơn vị có chức năng nghiên cứu chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển kinh tế nông thôn.
Huyện Ba Chẽ được phân bổ 30 tỷ đồng hỗ trợ người dân, tuy nhiên hiện địa phương mới chỉ giải ngân được 1,4 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ, có 3 khó khăn trong việc triển khai hỗ trợ vốn sản xuất cho ngươi dân tộc thiểu số sản xuất. Đó là khó khăn về đối tượng thụ hưởng chính sách vướng mắc vì trên địa bàn không còn hộ nghèo, hoặc tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và thành viên của liên kết sản xuất phải từ 50 – 70% người dân tộc thiểu số. Khó khăn trong việc tìm được người đứng đầu mối liên kết sản xuất là người dân tộc phải có năng lực, có trình độ.
Khó khăn về nội dung hỗ trợ là chương trình không hỗ trợ phát triển hạ tầng, chỉ hỗ trợ cây, con giống, đào tạo nhân lực, khoa học công nghệ. Trong khi đó, nhận thức của đồng bào hiện nay còn nhiều hạn chế nên số lượng người tiếp cận được gói hỗ trợ trên không nhiều.
Thêm vào đó, quy trình, trình tự, thủ tục hành chính gói hỗ trợ gặp khó. Bởi đa số đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ còn hạn chế nên gặp khó khăn trong việc xây dựng các đề án, dự án sản xuất, hay hoàn thiện các thủ tục hành chính để đủ điều kiện được phê duyệt nhận hỗ trợ vốn và gặp khó trong việc xây dựng các phương án duy trì, bảo tồn nguồn vốn.
Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ cho biết thêm: Trái ngược với khó khăn trong việc tiếp cận vốn hỗ trợ sản xuất, người dân Ba Chẽ lại chủ động dễ dàng vay vốn của ngân hàng chính sách để sản xuất, tổng dư nợ từ đầu năm đến nay đã đạt được 84 tỷ đồng, trả nợ đúng hạn, không có nợ xấu.
Giải pháp tạm thời
Trước thực trạng đặt ra đối với nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất giải ngân còn chậm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký yêu cầu UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát lại quá trình triển khai các chủ trương của tỉnh, của Trung ương, nhất là việc thực thi các chính sách, các quy định thời gian qua để làm rõ các bất cập khách quan, chủ quan trong quá trình tổ chức thực hiện. Qua đó, rút kinh nghiệm lập dự toán trong năm tiếp theo. Có đánh giá hiệu quả vốn, hiệu quả thực hiện ngân sách, đảm bảo nguồn vốn triển khai đến với bà con nhân dân, đến với đối tượng thụ hưởng chính sách có năng lực sản xuất mới, đời sống vật chất tốt hơn. Đối với nguồn vốn của năm 2024, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh, HĐND tỉnh sẽ xem xét đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội có kế hoạch cụ thể cùng các địa phương nhanh chóng triển khai nguồn vốn này đến người dân có nhu cầu tập trung cho phát triển sản xuất.
Các sở, ban, ngành và UBND các địa phương cần tiếp tục rà soát, tập trung tháo gỡ những tồn tại khó khăn, hướng dẫn sâu sát đối với người dân trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong xây dựng dự án chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, đề án phát triển sản xuất cây ăn quả tập trung tại các địa phương. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là không được phép “bỏ rơi” người dân trong triển khai phát triển sản xuất; đồng thời phải tập trung nghiên cứu, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất có giá trị cao.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Cùng một cơ chế, chính sách nhưng có địa phương giải ngân tốt, có địa phương lại khó giải ngân, phải chăng có sự thiếu trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện của cấp dưới. Từ đó, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương phải nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đúng mục tiêu, mục đích của chương trình, đề phòng tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, lợi ích nhóm; trong quá trình triển khai các địa phương thụ hưởng cần thực hiện một cách khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởn".
Bí thư Huyện ủy Đầm Hà Đỗ Thị Ninh Hường chia sẻ: Huyện đã phân công từng đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các địa phương nghe từng dự án cụ thể của người dân. Huyện đã có 11 dự án đăng ký để được hỗ trợ nguồn vốn này, tuy nhiên chỉ có 03 dự án đủ điều kiện được hỗ trợ với số tiền khoảng 38 tỷ đồng. Đầm Hà phấn đấu giải ngân được trên 5 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất người dân tộc thiểu số.
Văn Đức