Chả mực - món ăn nức tiếng đất Hạ Long. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN |
Tỉnh Quảng Ninh có nguồn ẩm thực phong phú, đa dạng và được nhiều người biết đến như chả mực Hạ Long, ngán, sá sùng, ruốc hải sản, hàu, gà Tiên Yên… Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), qua đó góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh, tạo ra các sản phẩm chất lượng phục vụ phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc xây dựng phát triển thương hiệu ẩm thực nhằm định vị thương hiệu du lịch Quảng Ninh vẫn còn yếu, chưa phát huy được giá trị sẵn có. Hội nghị là cơ hội để các nhà hàng, khách sạn, đơn vị cung ứng thực phẩm liên kết, chia sẻ kinh nghiệm để có chuỗi thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc, chất lượng phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Theo ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, việc khai thác ẩm thực Quảng Ninh trong phục vụ khách du lịch vẫn còn hạn chế, một số sản phẩm đã được các doanh nghiệp đưa vào phục vụ du khách nhưng cách chế biến chưa mang đặc trưng, sắc thái riêng, chưa tạo được sự hấp dẫn đối với du khách. Các sản phẩm OCOP đa phần sản xuất thủ công, sản lượng ít, chưa đảm bảo nguồn cung cấp cho các đơn vị phân phối, tiêu thụ. Do đó việc khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành Du lịch Quảng Ninh trong định hướng phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh.
Tại hội nghị, đại diện Hiệp hội khách sạn, đầu bếp Việt Nam; các nhà hàng, khách sạn lớn tại Quảng Ninh; các công ty lữ hành, du lịch; các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh... đã cùng nhau thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp nhằm tăng cường liên kết, tiêu thụ sản phẩm ẩm thực an toàn, chất lượng phục vụ du lịch; góp phần phát huy giá trị, bảo tồn văn hóa ẩm thực Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Mạnh Hảo, Hội trưởng Hiệp hội Đầu bếp Quảng Ninh chia sẻ, việc kiểm soát truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu chế biến; việc bảo quản, đóng gói sau chế biến chưa được chú trọng. Nhà cung cấp chưa cung cấp được nguồn nguyên liệu lâu dài, phong phú; hệ thống bảo quản còn hạn chế. Để phát huy hơn nữa giá trị ẩm thực Quảng Ninh phục vụ du lịch, cần tăng cường tổ chức các cuộc thi ẩm thực vùng miền đảm bảo giữ được nét độc đáo của ẩm thực địa phương và sáng tạo các món ăn mới; tham gia hoặc tổ chức các triển lãm về ẩm thực tại các nước có lượng du khách đã, đang và sẽ đến Hạ Long. Đồng thời, tạo điều kiện để các đầu bếp, nhân viên được đi tu nghiệp ở nước ngoài để có cơ hội tiếp xúc, học hỏi cách chế biến, phong cách nấu ăn, quản lý phục vụ chuyên nghiệp ở các quốc gia phát triển mạnh về du lịch và ẩm thực.
Thạc sĩ Mạc Thị Mận, Phó trưởng Bộ môn Chế biến món ăn, Khoa Du lịch, Trường Đại học Hạ Long cho rằng, để phát huy giá trị ẩm thực phục vụ du lịch cần tăng cường các hình thức quảng bá sản phẩm ẩm thực; kết hợp các tour du lịch với ẩm thực địa phương, xây dựng bài thuyết minh giới thiệu ẩm thực từ sản phẩm thương hiệu Quảng Ninh; đa dạng phương pháp chế biến món ăn; nâng cao chất lượng đội ngũ lao động chế biến món ăn và thức uống phục vụ khách du lịch; tăng cường tổ chức hội thảo chuyên đề ẩm thực các cấp…
Đại diện nhà hàng ẩm thực làng chài Hạ Long cho biết, để níu chân du khách, phát huy giá trị ẩm thực phục vụ du lịch cần tìm nguồn cung cấp thực phẩm đảm bảo, có đủ điều kiện để kinh doanh mặt hàng đó; hướng đến các sản phẩm OCOP, việc lưu trữ và bảo quản cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thường xuyên thay đổi, sáng tạo món ăn mới.
Tại hội nghị, đại diện Sở Du lịch Hà Nội, Hải Phòng cũng đã chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, khai thác và phát triển ẩm thực trở thành thương hiệu của ngành Du lịch.
Bên lề hội nghị cũng diễn ra việc ký kết hợp đồng mua bán, cung ứng các sản phẩm du lịch, ẩm thực.
Đức Hiếu
TTXVN