Quảng Ngãi tìm đầu ra ổn định cho nông sản địa phương

Gà kiến Sơn Hà. Ảnh: ocopquangngai.com
Gà kiến Sơn Hà. Ảnh: ocopquangngai.com

Nhờ phát huy thế mạnh của những mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong liên kết sản xuất, tạo sự gắn kết giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo đang là hướng đi của các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi.

Quảng Ngãi tìm đầu ra ổn định cho nông sản địa phương  ảnh 1Gà kiến Sơn Hà. Ảnh: ocopquangngai.com

Những sản phẩm như gà kiến Sơn Hà, cá niên Sơn Hà, các loại rau rừng đã có mặt ở các chợ đầu mối, các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Với cách làm vừa hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật, định hướng đầu ra cho nông sản, nên những mô hình, dự án triển khai trên địa bàn huyện Sơn Hà đều mang lại hiệu quả.

Có được thành quả này là nhờ Hợp tác xã nông nghiệp sạch Sơn Hà đã kết nối người dân tham gia vào chuỗi liên kết từ sản xuất đến với thị trường thông qua qua hệ thống siêu thị để phân phối, bán lẻ đến với người tiêu dùng.

Theo chị Đinh Thị Phương, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, từ ngày tham gia vào hợp tác xã nông nghiệp sạch Sơn Hà, những sản phẩm nông nghiệp của gia đình chị như gà kiến, ớt xiêm đều được tiêu thụ ổn định, không lo bị các thương lái ép giá.

“Tham gia vào hợp tác xã giúp chúng tôi thay đổi tư duy trong sản xuất nông sản an toàn, từ đó sản phẩm sẽ được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Sản phẩm sạch không những có đầu ra ổn định mà giá thành còn cao hơn, nhờ đó giúp bà con nâng cao thu nhập, ổn định đời sống”. Chị Phương chia sẻ.

Hợp tác xã nông nghiệp sạch Sơn Hà là một trong những mô hình kinh tế hợp tác tiêu biểu của huyện, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo hiệu quả. Nhờ đó đến nay, các thành viên đều có kinh tế khá giả. Hợp tác xã cũng là là một trong những đơn vị tiên phong trong xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp sạch ở miền núi.

Ông Phạm Đình Nghĩa, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp sạch Sơn Hà cho biết, để tìm đầu ra cho sản phẩm, hợp tác xã đã đẩy mạnh liên kết với các siêu thị, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, đăng ký thương hiệu, nhãn mác. Khi sản phẩm đã có thương hiệu thì việc tiêu thụ sẽ thuận lợi hơn. Đến thời điểm này, tất cả những sản phẩm của hợp tác xã đều có đầu ra ổn định.

Tại hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Sơn Liên, huyện Sơn Tây, các loại đặc sản như bưởi da xanh, ổi nữ hoàng, mít thái cũng được thu mua, tiêu thụ ổn định. Thông qua hợp tác xã người dân được hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn chăm sóc cây ăn trái, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế.

Anh Đinh Văn Quý cho hay, tham gia vào hợp tác xã người dân có điều kiện phát triển sản xuất, phát triển nông sản. Trước kia khi trồng cây ăn quả các hộ luôn nghĩ được thì ăn, mất thì chịu, còn bây giờ được hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc để cây cho năng suất cao nhưng sản phẩm đảm bảo an toàn để cung cấp cho người tiêu dùng.

Các huyện miền núi Quảng Ngãi đang tập trung xây dựng mỗi xã một sản phẩm thông qua các hợp tác xã. Nhìn chung, kinh tế tập thể, hợp tác xã bước đầu đã có những đóng góp trong xây dựng nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Các mô hình kinh tế đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, góp phần thay đổi tập quán sản xuất, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề cho thành viên và người lao động.

Đặc biệt, việc phát triển nông nghiệp ở vùng đồng bào miền núi đã có bước chuyển rõ nét, đời sống người dân miền núi được nâng lên đáng kể, đến cuối năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi còn 18% theo chuẩn nghèo đa chiều.

Ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, thời gian tới các huyện miền núi cần tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng hữu cơ, sản xuất nông sản sạch để tạo ra bữa ăn an toàn cho càng nhiều gia đình càng tốt. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp, siêu thị để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm của nông dân.

Theo ông Võ Phiên, các huyện cần tăng cường khuyến nông, khuyến lâm, nâng cao năng lực sản xuất của người dân; hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, các dịch vụ sản xuất, khuyến khích phát triển kinh tế vườn rừng, kinh tế trang trại, gia trại. Ngoài ra, phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào miền núi giảm khoảng 4% mỗi năm.

Đinh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm