Người thợ điêu khắc gỗ. Ảnh: baoquangngai.vn |
Gắn bó với nghề từ thuở 14 - 15 tuổi, hơn 40 năm qua, ông Lê Nghĩa đã thấm nỗi vất vả của nghề mộc. Thế nhưng dù tuổi cao, sức khỏe cũng không còn như xưa, ông Nghĩa vẫn ngày ngày cần mẫn, cặm cụi bên những khúc gỗ khô cứng để tạo nên các sản phẩm đẹp mắt, giá trị, được nhiều người ưa chuộng. Ông Lê Nghĩa chia sẻ: Làm nghề mộc tuy vất vả nhưng so với nghề nông vẫn ổn định và thu nhập cao hơn. Tùy theo sức khỏe mà tôi làm những sản phẩm khác nhau. Tôi đã dạy nghề cho nhiều người trẻ trong làng, đến nay nhiều cháu tự mở xưởng riêng và thành công.
Từng có một thời vô cùng hưng thịnh nhưng vì là nghề thủ công, thời gian làm ra sản phẩm lâu, thu nhập thấp nên có giai đoạn ở xã Nghĩa Hiệp không còn mấy người mặn mà với nghề mà bỏ đi làm ăn xa. Các xưởng mộc dần đóng cửa. Không để nghề truyền thống của địa phương mai một, nhiều người trẻ đã mạnh dạn đổi mới, đầu tư máy móc tự động để đưa nghề mộc phát triển theo hướng tích cực hơn. Người đi tiên phong trong lĩnh vực ấy là anh Đỗ Thanh Quốc Huy, ở thôn Đông Viên, xã Nghĩa Hiệp. Từ năm 2014 trở về trước, gia đình anh Huy chỉ làm thủ công nên tốn sức mà sản phẩm không đẹp, hàng bán không chạy, thu nhập không bao nhiêu. Anh đã đi tham quan, học tập tại các làng mộc nổi tiếng trong nước để tìm cho mình hướng đi phù hợp. Sau đó anh mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để mua 11 máy điêu khắc gỗ. Từ khi đầu tư máy móc hiện đại, không chỉ rút ngắn thời gian làm ra một sản phẩm mà các đường nét trên sản phẩm cũng sắc sảo, tinh tế hơn. Nhờ đó các sản phẩm đã được nhiều người lựa chọn.
Từ ngày sử dụng máy móc tự động vào nghề mộc truyền thống, xưởng mộc của anh Huy hoạt động cả ngày lẫn đêm vẫn không hết việc, đặc biệt từ tháng 9 âm lịch đến cuối năm, khối lượng sản phẩm khách đặt gia công luôn tấp nập. Ngoài máy móc có sẵn, anh Huy còn thuê thêm 7-10 thợ mộc làm việc thường xuyên với mức công 250 nghìn đồng/ngày.
Hiện toàn xã Nghĩa Hiệp có trên 100 hộ duy trì nghề mộc truyền thống, giải quyết việc làm cho hơn 600 nhân công, góp phần rất lớn trong việc hoàn thành tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Các xưởng mộc đã biết tự “trở mình” để đưa các sản phẩm của mình đi phục vụ nhu cầu trang trí đồ gỗ ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Phát triển là vậy nhưng nghề mộc cũng đang đứng trước những khó khăn về nguồn nguyên liệu gỗ và chưa thể đăng ký thương hiệu làng nghề truyền thống. Ông Trần Văn An - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp cho biết: Vấn đề các xưởng mộc ở xã Nghĩa Hiệp lo lắng nhất hiện nay không phải là đầu ra cho sản phẩm mà là nguyên liệu đầu vào. Bởi muốn làm ra các sản phẩm đẹp, có giá trị thì phải chọn được loại gỗ chất lượng, có đủ hóa đơn chứng từ. UBND xã đã có phương án thành lập khu sản xuất tập trung nhưng đang gặp khó khăn về quỹ đất. Để giữ gìn, phát triển nghề mộc, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhân dân, chính quyền địa phương mong muốn cơ quan chức năng cấp trên hỗ trợ thành lập làng nghề truyền thống và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Đinh Thị Hương