Phụ nữ Lai Châu góp sức xây dựng nông thôn mới

Phụ nữ Lai Châu góp sức xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã cụ thể hóa các chương trình, cuộc vận động nhằm phát huy vai trò của cán bộ, hội viên, phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương, từng bước khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội hiện nay.

Phụ nữ Lai Châu góp sức xây dựng nông thôn mới ảnh 1Nhiều hội viên phụ nữ tỉnh Lai Châu trồng cây lê mang lại thu nhập cao. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN

Nỗ lực giảm nghèo

Xác định xóa đói giảm nghèo là một trong những tiêu chí quan trọng trong công tác xây dựng nông thôn mới của mỗi địa phương. Do vậy, nhiệm kỳ 2016-2021, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có nhiều cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội, triển khai những việc làm cụ thể, thiết thực nhằm giúp hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.

Huyện miền núi Than Uyên (Lai Châu) hiện có 14.163 hội viên phụ nữ sinh hoạt ở 131 chi hội. Với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên trên địa bàn, thời gian qua, Hội đã đẩy mạnh triển khai thực hiện phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”; vận động hội viên, phụ nữ tích cực lao động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; năng động, sáng tạo lựa chọn và mạnh dạn đầu tư vốn để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Từ các nguồn vốn hỗ trợ, cấp cây, con giống cho hội viên, đã có nhiều chị em vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Hội viên Vàng Thị Khuyên ở bản Nà Phái, xã Phúc Than, huyện Than Uyên trước đây trồng lúa, ngô nhưng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gia đình chứ không tạo ra sản phẩm hàng hóa đem lại giá trị kinh tế, thu nhập cao. Do đó, sau khi tìm hiểu, học hỏi tới năm 2017 chị Khuyên quyết tâm đầu tư trồng gần 90 cây mít Thái trên 3.000 m2 đất vườn của gia đình.

Chị Khuyên tâm sự, tôi chọn mít Thái bởi đây là loại cây trồng mới trên địa bàn chưa có ai đầu tư mà đất vườn lại khá màu mỡ phù hợp với cây mít. Bên cạnh mít, tôi trồng xen canh chuối trên cùng một diện tích đất vườn nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất. Đầu năm 2021, lứa mít đầu tiên đã được thu hoạch với quả to, múi dày và ngọt, được nhiều người đặt hàng mua. Ngoài ra, tôi còn nuôi thêm dê, cá. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, năm 2021 gia đình tôi thu về khoảng 60 triệu đồng.

Khẳng định về phong trào thi đua sôi nổi nhất của các cấp hội thời gian qua, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu Khoàng Thị Thanh Nga cho rằng đó là phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”. Điều này thể hiện rõ qua các năm. Đã có hàng trăm hội viên, phụ nữ thoát nghèo; nhiều mô hình kinh tế mới trong trồng trọt, chăn nuôi do phụ nữ làm chủ mang lại nguồn thu nhập cao, hơn 100 triệu đồng/năm. Một số sản phẩm như: bánh bỏng, bánh chưng, thịt trâu sấy của chị em đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong, ngoài tỉnh.

Cùng đó, Hội cũng triển khai có hiệu quả Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”. Đặc biệt, các cấp hội đã vận động các chi hội thành lập các tổ tiết kiệm, giúp đỡ hội viên khó khăn vay vốn phát triển kinh tế với lãi suất thấp; tạo điều kiện cho chị em tiếp cận nhiều nguồn vốn vay từ các ngân hàng.

Có thể thấy, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lai Châu được thực hiện sáng tạo, tạo nhiều chuyển biến về chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Lai Châu đã giúp hơn 12.500 hộ gia đình được vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; gần 12.400 hộ gửi tiền tiết kiệm với số tiền trên 13 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ Lai Châu đã giúp gần 600 hộ gia đình hội viên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh mỗi năm 4,78%.

Bảo vệ môi trường

Song song với công tác giảm nghèo, một trong những hoạt động các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Lai Châu chú trọng, tích cực tham gia hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới là hoạt động bảo vệ môi trường mà điển hình là cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.

Trong đó, các cấp hội phụ nữ chú trọng thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, các câu lạc bộ bảo vệ môi trường. Tiêu biểu là phụ nữ huyện Than Uyên đã tiên phong trong việc thu gom túi nilon, vỏ hộp sữa, vỏ bánh kẹo. Đặc biệt, phụ nữ huyện làm hàng chục nghìn viên gạch sinh thái từ túi nilon, chai nhựa để xây dựng cổng chào, tường bao, ghế ngồi ở nhà văn hóa bản. Đến nay, huyện Than Uyên có gần 60 câu lạc bộ vệ sinh môi trường với hơn 1.100 thành viên tham gia. Hội đã giúp đỡ hội viên, phụ nữ làm hơn 1.800 nhà tiêu hợp vệ sinh, trên 500 bể lọc cát sinh học biosand; đào hàng trăm hố rác, trồng hàng nghìn cây xanh.

Điển hình tại bản Lun 1, xã Tà Mung, huyện Than Uyên, người dân trong bản đã dùng hơn 10.000 viên gạch sinh thái và góp hàng trăm ngày công lao động để hoàn thành công trình tường bao dài 72 mét và cổng chào, ghế ngồi trong khuôn viên nhà văn hóa. Năm 2021, các hội viên phụ nữ trong câu lạc bộ cùng người dân của bản tiếp tục thu gom rác thải, túi nilon và làm được gần 10.000 viên gạch sinh thái để xây dựng khuôn viên nhà văn hóa. Nhờ làm gạch sinh thái, bản vừa tiết kiệm chi phí toàn bộ mua gạch đỏ, vừa tô điểm nhà văn hóa đẹp hơn. Việc làm này đã nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, tự phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.

Cũng như huyện Than Uyên, một số Hội Phụ nữ các huyện, thành phố khác trong tỉnh Lai Châu tích cực hưởng ứng phong trào bằng mô hình “Đi chợ với làn nhựa” hoặc sử dụng túi giấy, túi sinh học trong kinh doanh, buôn bán hàng hóa. Mới đây nhất, hội viên phụ nữ chủ động tham gia chương trình “1 tỷ cây xanh” và đã trồng được gần 4.000 cây xanh tại các huyện Nậm Nhùn, Than Uyên, Phong Thổ.

Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu có 92.815 hội viên sinh hoạt ở 106 cơ sở hội thuộc 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Bà Khoàng Thị Thanh Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu cho hay: Thời gian qua, Hội Phụ nữ đã đóng góp to lớn vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với những việc làm cụ thể. Trong đó, Hội vận động hội viên phụ nữ hiến đất làm đường giao thông nông thôn và góp trên 50.000 ngày công lao động; hỗ trợ các gia đình xây dựng hàng nghìn nhà tiêu hợp vệ sinh, đào hàng trăm hố rác. Cùng đó, toàn tỉnh thành lập trên 100 tổ thu gom rác thải; xây dựng trên 150 mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, duy trì vệ sinh thôn, bản và khu phố 1 lần/tuần. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.100 hộ gia đình đạt các tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch”. Những việc làm thiết thực đó đã góp phần nâng cao ý thức và thay đổi hành vi của phụ nữ trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày; mặt khác, làm đẹp cảnh quan các tuyến đường và bộ mặt nông thôn khởi sắc.

Thời gian tới, Hội Phụ nữ tỉnh Lai Châu tiếp tục đổi mới nội dung cách thức tuyên truyền, thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, Hội duy trì các câu lạc bộ vệ sinh môi trường, nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương và điều kiện của gia đình để xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả góp phần tích cực làm thay đổi bộ mặt nông thôn, khẳng định vai trò của Hội Phụ nữ trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Việt Hoàng – Đinh Thùy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm