Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Nông đã có những hành động thiết thực chung tay giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Tùy vào tình hình thực tế tại địa phương, nhiều mô hình với cách làm sáng tạo đã góp phần tích cực giúp cán bộ, hội viên, bà con các dân tộc phát triển kinh tế. Từ đó, những việc làm ấm áp được sẻ chia, lan tỏa hàng ngày, ấm áp nghĩa đồng bào.
Cùng chia sẻ - Trao yêu thương
Từ mong muốn giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, Hội Phụ nữ xã Ea Pô, huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã thành lập “Gian hàng 0 đồng” dành cho người nghèo.
Tranh thủ ngày cuối tuần chị Nguyễn Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Pô tất bật đi gom quần áo, giày dép được người dân hỗ trợ để chuyển cho các gia đình khó khăn. Mới hoạt động thời gian ngắn, mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực. Các loại đồ sau khi nhận về được các chị, em trong Hội phân loại theo từng lứa tuổi, áo ấm, áo thun… người đến tự lựa theo nhu cầu. Để lan tỏa cho nhiều người biết, các hội viên đã đăng bài lên các trang xã hội. Nhiều nhà hảo tâm ở khắp nơi có nhu cầu gửi tặng đồ, các chị sắp xếp công việc để nhận. Tại gian hàng có thùng tiền từ thiện. Nhiều người sau khi nhận đồ xong lại quyên góp tiền để trao lại cho những hoàn cảnh khó khăn hơn.
Cầm trên tay bộ quần áo mới chọn, ông Hà Ngọc Minh, tại xã Ea Pô rất phấn khởi. Ông Minh cho biết, đồ mới và sạch. Mỗi lần đi làm ngang qua, ông đều đến gian hàng để chọn quần áo cho đứa cháu bị khuyết tật. “Tôi rất tâm đắc với ý nghĩa của chương trình này. Tôi sẽ giới thiệu với những người có cùng hoàn cảnh như mình đến gian hàng”, ông Minh chia sẻ.
Sau 3 tháng đi vào hoạt động, “Gian hàng 0 đồng” đã chuyển đến bà con hơn 3.000 bộ quần áo, trên 100 đôi giày dép, nhiều sách vở, tập viết… Người dân đến đây mỗi người một hoàn cảnh nhưng có cùng điểm chung là ai cũng khó khăn.
Hạnh phúc của những người làm công tác Hội
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, có nhiều khoảng thời gian học sinh phải học trực tuyến tại nhà. Việc đầu tư thiết bị hỗ trợ các em học tập như máy tính, điện thoại... đối với một số gia đình không phải là chuyện dễ dàng. Trăn trở cho con đường đến với con chữ của các em, Hội Phụ nữ xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil đã thực hiện Chương trình chuyển giao hỗ trợ phương tiện "Ai dư đến cho, ai cần đến nhận". Trụ sở làm việc của Hội trở thành điểm tiếp nhận sự thơm thảo của những tấm lòng hảo tâm.
Chị Vũ Thị Hoàng Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đắk Lao cho biết, mô hình "Ai dư đến cho, ai cần đến nhận" được Hội thành lập từ năm 2018. Qua 4 năm hoạt động, mô hình đã giúp đỡ quần áo, giày dép, sách vở… cho hàng ngàn người có hoàn cảnh khó khăn. Vừa qua, Hội đã hỗ trợ cho gia đình em Nguyễn Thị Mai Linh, tại thôn Đắk Quang một dàn máy tính hoàn chỉnh để em có thể tham gia học trực tuyến.
Các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Đắk Nông đã có nhiều hành động đẹp, ý nghĩa nhằm hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn. Hưởng ứng Chương trình “Phụ nữ cả nước ủng hộ triệu phần quà chia sẻ yêu thương giúp phụ nữ, trẻ em vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh, thiên tai”, các cấp Hội đã vận động các nhà hảo tâm, cán bộ, hội viên, phụ nữ chung tay sẻ chia. Qua đó, tỉnh Đắk Nông huy động được hơn 1,6 tỷ đồng, hơn 2.000 suất quà, 83.000 khẩu trang, gần 1.000 tấn rau, củ, quả các loại, gần 34 tấn gạo, gần 11.000 suất cơm miễn phí…
Hội thành lập và duy trì hoạt động Quỹ cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế với tổng dư nợ trên 40 tỷ đồng, cho hơn 1.700 phụ nữ nghèo, cận nghèo vay vốn; đẩy mạnh và nhân rộng các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”; tổ chức 99 lớp dạy nghề, tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt...
Theo bà H’Vi Ê Ban, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, các cấp Hội phụ nữ đã tập trung hướng hoạt động về cơ sở, tạo bước chuyển quan trọng trong hoạt động Hội và phong trào phụ nữ. Nổi bật nhất là hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, với nhiều cách làm hay, hiệu quả. Tùy vào tình hình thực tế tại địa phương, nhiều mô hình của phụ nữ đã có cách làm sáng tạo, đóng góp tích cực giúp cán bộ, hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, góp phần nào trao gửi yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn.
Nguyên Dung