Philipines - Đất nước hình cá heo

Philipines - Đất nước hình cá heo
Những hòn đảo xanh lá cây nằm giữa mênh mang sóng nước xanh lục trong suốt. Hầu như tất cả các phương tiện giao thông trên biển từ đảo này sang đảo khác của Philipines, từ xuồng cao tốc, thuyền đánh cá của cư dân, thuyền máy, thuyền buồm dành cho du lịch (trừ tàu thủy lớn)…, đều mô phỏng hình dạng con thuyền của thổ dân da đỏ; thân thuyền hoặc xuồng có thể bằng gỗ, bằng sắt, nhưng bộ càng hai bên thành của tàu, thuyền đều bằng tre, rất kềnh càng khi ra vào bến bãi song khi đi trên biển thì độ lắc lư vì sóng lừng giảm đi rất nhiều.

Một ấn tượng ở đất nước hình cá heo này là sự chênh lệch giàu  nghèo. Khác với thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia hoặc Singapore đến đâu cũng có thể thấy nhà chọc trời với mọi kiểu dáng bắt mắt, ở Philipines chỉ thấy nhà cao tầng tại thủ đô Manila. Có lẽ quần đảo Philipines nằm trong vành đai núi lửa, quanh năm phải hứng chịu vô số cơn bão lớn nhỏ hình thành từ biển nên ở các đảo chỉ có một số ít nhà cao tầng, đa phần cũng chỉ xây hai tầng. Nhà cao tầng xây theo kiểu lắp ghép; còn nhà trệt và thấp tầng đều xây bằng loại gạch xỉ hoặc gạch bột đá tạo nên những bức tường dày và vô cùng kiên cố, chắc chắn. Các ngôi nhà để gạch trần khiến cái nghèo lại càng hiển hiện rõ nét.
Pháo đài cổ thu hút đông đảo du khách tham quan.
Pháo đài cổ thu hút đông đảo du khách tham quan.

Ở những khu du lịch đông nghịt khách có rất nhiều việc làm cho người dân địa phương. Ngoài đội ngũ “cò” dắt mối đi thuyền buồm, đi đảo hay ngủ đêm giữa biển, phụ nữ có thêm việc làm đẹp theo tiêu chuẩn thổ dân (tết bím tóc cho trẻ em và khách nữ, sơn sửa móng tay chân…); trẻ em thắp nến đắp lâu đài cát, ai chụp hình thì xin tiền tip, bán những túi bánh nho nhỏ; thanh niên bán kính mát, khăn lông, đồ bơi…, nhiều nhất là làm dịch vụ xăm trổ. Những người già, người mù cũng có việc làm bằng cách tham gia các nhóm nhạc, được cấp thẻ hành nghề tại mọi bến tàu. Các nhóm nhạc hát gần như liên tục từ chuyến tàu đầu tiên khởi hành trong ngày lúc 5 giờ sáng đến tận 21 giờ khi hành khách cuối cùng rời bến… Dẫu các ban nhạc đều có đồng phục và thẻ nhưng hầu hết thành viên đều mang dáng vẻ nhọc nhằn. Cả thủ đô Manila chỉ có một con đường cao tốc dài vài cây số chạy qua trung tâm với một số nhà cao tầng nhìn ra quảng trường. Ngoài âm nhạc, người Philipines còn rất yêu thích bóng rổ, cột bóng rổ hiện diện khắp sân trường, sân nhà, vườn, bãi chợ, bãi biển, thậm chí ngay bên lề đường.

Bên cạnh khu ăn chơi nơi người ta xài tiền vào mua hải sản, gà nướng, đồ ăn nhanh, bia, rượu chảy tràn trề, thoải mái hút sisha và mua hàng hiệu trên các bãi biển… là khu phố nghèo đường hẹp, lầy lội, trường học nhỏ bé, chật chội, không có chỗ cho trẻ vui chơi, ở ngay sát những trung tâm sầm uất. Vẻ lam lũ toát ra từ nhà cửa, con người lẫn hàng hóa tiệm ăn, bán mua nơi xóm lao động. Rất nhiều xe đẩy bán bánh kẹo làm thủ công, chuối, xoài, thanh long ở khắp các bến xe, góc phố… Nhưng sự giản dị, bình yên và xanh, sạch càng xa các trung tâm ăn chơi càng thể hiện rõ. Những ngôi nhà trọ bình dị giữa vùng quê vắng đầy cây cối và cỏ xanh mượt đáng yêu cùng sự đon đả, mến khách của người dân khiến du khách lưu luyến mãi.
 
Làng thổ dân trong tuyến du lịch trên sông.
Làng thổ dân trong tuyến du lịch trên sông.

Ấn tượng nữa cách người Philipnes làm du lịch. Các di tích, danh thắng du lịch được tận dụng giới thiệu tối đa; từ những danh thắng thiên nhiên đến những dấu tích của thực dân Tây Ban Nha có tuổi đời hơn 400 năm trước (pháo đài, nhà thờ cổ, quảng trường, thậm chí là nhà tù giam người chiến sĩ cách mạng đầu tiên khởi động chống quân Tây Ban Nha…) là điểm nhấn của mọi tour du lịch. Vẻ cổ kính của nhà thờ Augustin có tuổi đời cao nhất giữa trung tâm Manila với bảo tàng nghệ thuật: bộ sưu tập áo choàng của các đời linh mục, hàng trăm tranh, tượng thánh đủ mọi kích cỡ, chiếc đàn organ khổng lồ trong phòng hòa nhạc, những bậc thang đá tảng nguyên khối, nhà gỗ… khiến khách trầm trồ, ngưỡng mộ.

Khu thành cổ rộng 64 ha ở trung tâm Manila; khu đồi Chocclatt diện tích hàng nghìn héc-ta trên đảo Bohoh; bờ biển Boracay dài trắng muốt… đều không có bất cứ một sự khai thác nào làm hỏng cảnh quan, cũng không có tình trạng "chặt chém" hay "cát cứ" một khoảng riêng nào, tất cả đều dành hết cho du khách.Quảng trường trung tâm là nơi hằng đêm trình diễn nhạc nước màu miễn phí, đông nghịt người bản xứ. Từng nhóm, từng đôi, từng gia đình, mang theo thức ăn, thậm chí cả can nước, đàn ghita… tụ tập chờ đêm xuống ngắm nhạc nước, ca hát, nhảy múa, chụp hình, thậm chí tự nhiên ôm nhau nằm nhìn màu nước diễm lệ biến đổi từng giây... Một nơi được quảng cáo bán tour ngay từ lúc du khách đặt chân lên đảo là vườn thú, được quảng cáo nhiều nhất là hình ảnh con lười. Tìm mỏi mắt mới thấy được con vật bé xíu ấy nấp trong lá nhưng hình ảnh con lười hiện diện khắp nơi, từ chiếc móc khóa, các loại túi lớn nhỏ lẫn đồ chơi…

Đến bất cứ đảo nào, ngay từ bến cảng, du khách cũng đều phải mua phí bảo vệ môi trường, đắt hơn cả lệ phí. Dù trong phòng chờ sân bay sang trọng hay ngoài bãi biển nhộn nhạo, hoặc trên thuyền du lịch chậm rãi trôi giữa biển trời lồng lộng, du khách sẽ thấy hình ảnh những nhân viên phục vụ ăn uống dùng khăn tay hót những vụn thức ăn còn sót lại xuống… lòng bàn tay chứ không phải xuống bãi cát, nền nhà hoặc dưới biển. Những đường làng không một cọng rác, từng nếp nhà xanh bình dị, sân vườn trên các đảo giữa biển khơi, đến ngôi làng ở vùng hẻo lánh nào đó đều xanh sạch đến ngạc nhiên. Đêm trên các bãi biển, quảng trường nhạc nước màu tập trung hàng nghìn người nhưng chẳng ai vứt rác dưới chân mình.
Theo baodaklak.vn

Có thể bạn quan tâm