Đồ họa về sử dụng cảm biến đo mức độ căng thẳng căn cứ lượng mồ hôi tiết ra. Ảnh: cell.com |
Trong nghiên cứu công bố ngày 26/2 trên tạp chí Matter, thiết bị cảm biến nói trên có thể phát hiện nồng độ cortisol, một hợp chất tự nhiên thường bị coi là hormon gây căng thẳng của cơ thể. Với chi phí sản xuất thấp và độ chính xác cao, thiết bị cảm biến này có thể giúp dễ dàng theo dõi tình trạng căng thẳng của bệnh nhân, cũng như các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác như lo lắng, rối loạn căng thẳng sau chấn thương và trầm cảm. Tất cả những tình trạng này đều có liên quan tới sự thay đổi nồng độ cortisol trong cơ thể.
Thiết bị cảm biến phát hiện mức độ căng thẳng qua mồ hôi do nhà khoa học Wei Gao thuộc Viện Công nghệ California, phát triển. Thiết bị này được làm bằng graphene, một loại "siêu vật liệu" có nguồn gốc từ carbon nguyên chất. Một tấm nhựa được khắc bằng tia laser để tạo ra cấu trúc graphene 3D với các lỗ nhỏ li ti, trong đó có thể phân tích lượng mồ hôi tiết ra.
Wei Gao là một trong 6 nhà nghiên cứu được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chọn tham gia nghiên cứu về sức khỏe của con người trong các nhiệm vụ ngoài vũ trụ. Công nghệ cảm biến có thể sẽ được áp dụng để theo dõi mức độ căng thẳng và lo lắng của các phi hành gia.
Ông Gao cho biết: "Chúng tôi đặt mục tiêu phát triển một thiết bị có thể đeo được và thu thập dữ liệu đa phương thức, trong đó có thông tin dấu ấn sinh học phân tử và dấu hiệu sinh tồn, để có được sự phân loại chính xác cho căng thẳng và lo lắng không gian sâu". Dấu hiệu sinh tồn là một nhóm gồm 4-6 dấu hiệu quan trọng nhất cho biết dấu hiệu sống của cơ thể, trong đó các dấu hiệu chính là thân nhiệt, huyết áp, nhịp tim và nhịp thở.
Phan An