Phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu

Phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận đã được "gắn sao OCOP" khẳng định được giá trị, chất lượng và tạo sức lan tỏa trên thị trường. Để nâng cao giá trị gia tăng, năm 2023 tỉnh tiếp tục định hướng phát triển các sản phẩm OCOP đi vào chiều sâu, đa dạng hóa các sản phẩm gắn với xây dựng các thương hiệu mạnh.

* Nâng tầm thương hiệu sản phẩm

Nhận thấy việc tham gia Chương trình OCOP sẽ giúp ích trong xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ, chị Võ Thị Thùy Trang, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản Thùy Trang (phường Đông Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) đã chủ động tham gia. Được sự hướng dẫn của địa phương, các ngành chức năng cùng với sự nỗ lực không ngừng, đến nay cơ sở của chị Trang đã có bốn sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm nho sấy khô, táo sấy khô, mứt rong sụn mang thương hiệu Bà Bảy và nước mắm cá cơm.

Phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu ảnh 1Sản phẩm nước mắm OCOP của tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Chị Võ Thị Thùy Trang cho biết, cơ sở luôn chủ động làm mới cho sản phẩm bằng các giải pháp đầu tư các thiết bị, máy móc sản xuất hiện đại, đổi mới bao bì, mẫu mã, chất lượng sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Sản phẩm OCOP đảm bảo chất lượng, có xuất xứ hàng hóa rõ ràng nên được khách hàng ưu tiên lựa chọn so với các sản phẩm cùng loại.

Nhờ đó, các sản phẩm cơ sở đã có sự tăng trưởng rất nhanh về mặt thị trường tiêu thụ dù chịu không ít sự cạnh tranh. Hiện sản phẩm của cơ sở đã được giới thiệu, bán tại các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh, các siêu thị, cửa hàng, kênh phân phối bán lẻ tại các tỉnh, thành trong cả nước.

Thời gian qua, nhiều sản phẩm như tôm khô, muối ớt, đũa gỗ, rong nho tách nước, nha đam, rượu táo, rượu vang nho, măng tây xanh, nước yến sào, dưa lưới… của các cơ sở, công ty khác trên địa bàn Ninh Thuận khi được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cũng đã từng bước khẳng định được thương hiệu trên thị trường.

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Ninh Thuận có 65 sản phẩm của 37 chủ thể được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó có 9 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 56 sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, thời gian qua tỉnh đã tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP bằng những giải pháp cụ thể như định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…

Trên cơ sở đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, các quy định trong an toàn thực phẩm và môi trường. 

Qua đánh giá, Ninh Thuận có nhiều sản phẩm OCOP có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có do nhiều nguyên nhân như hoạt động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến còn hạn chế dẫn đến năng suất, mẫu mã, chất lượng sản phẩm của các đơn vị, cơ sở chưa đồng đều; thị trường tiêu thụ còn thiếu tính bền vững,... Đây là những hạn chế, khó khăn đang được tỉnh tập trung hỗ trợ tháo gỡ, khắc phục.

* Nhiều giải pháp hỗ trợ

Nhằm đưa các sản phẩm OCOP đi vào chiều sâu, năm 2023 tỉnh Ninh Thuận định hướng gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm hướng tới xuất khẩu. Tỉnh đầu tư gần 4,5 tỷ đồng để phát triển thêm 20-30 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, có từ 1- 2 sản phẩm chăn nuôi đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.

Phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu ảnh 2Sản phẩm OCOP được trưng bày tại Hội doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Đặc biệt, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 40% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; phấn đấu đạt 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền cho biết, Ninh Thuận sẽ tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương.

Để đạt các chỉ tiêu đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương lồng ghép và triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách ưu đãi, huy động nguồn lực gắn kết Chương trình OCOP với các chương trình, dự án khác. Từ đó, hỗ trợ các chủ thể sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất, hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.

Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai 15 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, tập trung vào các giải pháp trọng tâm. Đó là nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng đạt 3 sao trở lên gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tỉnh tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản được cấp mã số vùng trồng theo hướng sản xuất VietGAP, nông nghiệp hữu cơ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP sẽ tập trung đầu tư ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP.

Cùng đó, các đơn vị công bố tiêu chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, thiết kế bao bì, nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc, hồ sơ chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm, kỹ năng bán hàng, xây dựng phương án kinh doanh.

Đồng thời, ngành chức năng tiếp tục tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm OCOP từ khâu sản xuất đến khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, tỉnh chú trọng các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng và quản lý nhãn hiệu các sản phẩm "OCOP Ninh Thuận" thông qua việc xây dựng phần mềm quản lý sản phẩm, đánh giá phân hạng, quản lý dữ liệu hồ sơ sản phẩm OCOP; hỗ trợ các chủ thể tham gia xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP để đưa các sản phẩm vào các điểm, khu du lịch, các trạm dừng chân, các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Thời gian tới, Ninh Thuận cũng sẽ tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn liền với các sản phẩm OCOP và đặc thù. Xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo từng địa phương để góp phần góp phần thúc đẩy, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.

Nguyễn Thành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm