Phát triển kinh tế số tại huyện miền núi Nam Trà My

Chiều 1/4, Sàn thương mại điện tử sâm, dược liệu và hàng nông sản Nam Trà My chính thức khai trương với tên miền https://phienchosam.quangnam.gov.vn. Đây là bước đi mang tính bước ngoặt, nền tảng nhằm cụ thể hóa chủ trương về phát triển kinh tế số tại huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

NamTraMy.png
Ảnh chụp màn hình giao diện sàn thương mại điện tử tử sâm, dược liệu và hàng nông sản Nam Trà My với tên miền https://phienchosam.quangnam.gov.vn. Ảnh: DTMN

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Văn Mẫn cho biết, trong những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử ngày càng mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp, người dân biết đến. Sự đa dạng về mô hình hoạt động, đối tượng tham gia, quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng Internet, ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa thương mại điện tử trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số.

Trong điều kiện đó, hiện nay, trên địa bàn huyện Nam Trà My, sâm Ngọc Linh (còn có tên là sâm Việt Nam) và dược liệu là những sản phẩm thế mạnh để người dân thoát nghèo, phát triển kinh tế. Việc mua bán sâm, dược liệu được đẩy mạnh thông qua các Phiên chợ sâm Ngọc Linh và dược liệu hằng tháng cùng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube… đã góp phần thông tin, đưa các sản phẩm này đến với người tiêu dùng trong, ngoài nước.

Tuy nhiên, tình trạng rao bán, quảng cáo các loại hàng nhái, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên không gian mạng đã ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của phần lớn khách hàng, gây ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín các sản phẩm đặc hữu địa phương.

Sàn thương mại được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các hộ sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn hoàn thiện sản phẩm, nâng cao năng lực và giá trị chất lượng hàng hóa, đồng thời tham gia vào chuỗi phát triển của thương mại điện tử, giới thiệu và giao sản phẩm của mình đến tận tay khách hàng tại một website uy tín, được quản lý chặt chẽ bởi các cơ quan chuyên môn của Nhà nước, được cam kết về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm.

Để Sàn thương mại điện tử hoạt động hiệu quả, đáp ứng đúng kỳ vọng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng cần có sự lãnh đạo, hỗ trợ từ các sở, ngành của tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong việc quản lý các tổ chức, cá nhân tham gia, kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm với mục tiêu phục vụ lợi ích của khách hàng là trên hết. Thời gian tới, huyện tiếp tục giao Phòng Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng cùng các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện tốt công tác quản lý, đảm bảo việc vận hành Sàn thương mại; ban hành Quy chế vận hành, thành lập Ban Quản trị, nâng cao hiệu quả sử dụng, phong phú và đa dạng sản phẩm. Đơn vị chức năng tiếp tục nghiên cứu nâng cấp các tính năng của Sàn thương mại điện tử cho phù hợp với các quy định và nâng cao chất lượng phục vụ theo nhu cầu của khách hàng; định kỳ hằng tháng, thống kê, báo cáo những phản ánh, kiến nghị của đơn vị cung ứng sản phẩm, người dân truy cập vào hệ thống để từ đó ngày càng hoàn thiện, phát huy tốt nhất ý nghĩa và tầm quan trọng của Sàn thương mại.

Mặc dù là địa phương đầu tiên thực hiện Sàn thương mại điện tử sâm, dược liệu và hàng nông sản nhưng với quyết tâm cao, huyện Nam Trà My đã xây dựng, đưa vào vận hành tại liên kết trên Cổng thông tin điện tử huyện và các tên miền của Nhà nước cũng như tên miền thương mại. Từ khi chạy thử nghiệm đến nay đã có hơn 7.000 lượt truy cập để tra cứu thông tin sản phẩm và các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.

Trần Tĩnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm