Lên với đỉnh núi mờ sương, du khách sẽ được trải nghiệm, tham gia vào các quy trình sản xuất chè với người dân bản địa. Ảnh: Đức Tưởng-TTXVN |
Khơi dậy tiềm năng đa dạng sinh học Huyện Văn Yên có 26 xã và 1 thị trấn, với 312 thôn bản, 60 tổ dân phố, từ lâu vốn được mệnh danh là vùng đất “cao sơn ngọc quế”, được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh đẹp với núi non kỳ vĩ, nhiều hang động, suối ngàn, thác nước, rừng nguyên sinh có hệ sinh thái đa dạng. Nơi đây lưu giữ nhiều sắc màu văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số cùng với những địa danh đã đi vào lịch sử đất nước. Trong các xã của huyện Văn Yên, Nà Hẩu là nơi có vị trí và điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Xã nằm cách trung tâm huyện Văn Yên khoảng 30 km về phía Nam, ở vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu. Xã có 3 thôn với 2.253 nhân khẩu thuộc dân thuộc 438 hộ chủ yếu là dân tộc Mông. Nguồn thu nhập chính từ nông lâm nghiệp nên đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển, canh tác với quy mô nhỏ, lẻ. Nét văn hóa truyền thống là Tết rừng - một lễ hội độc đáo hàng năm tổ chức vào ngày cuối tháng Giêng âm lịch. Tổng diện tích tự nhiên của xã 5.640,36 ha, trong đó rừng đặc dụng chiếm 80%, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, kết hợp với địa hình bị chia cắt nên tạo thành hai tiểu vùng khí hậu: Phía Bắc có độ cao trung bình 500m so với mực nước biển (ít mưa, nhiệt độ trung bình 21 – 23 độ C, lượng mưa bình quân 1.800 mm/năm, độ ẩm thường xuyên 80-85%, có những ngày chịu ảnh hưởng của gió Lào); phía Nam chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc (có lượng mưa lớn, bình quân 1.800 - 2.000 mm/năm, nhiệt độ trung bình 23 – 24 độ C, độ ẩm không khí 81 - 86%, có các hiện tượng thời tiết khác như sương muối và mưa đá). Về hệ sinh thái, xã Nà Hẩu nằm vùng lõi của Khu Bảo tồn được bao bọc bởi các khu rừng già, nên có hệ sinh thái rừng tự nhiên phong phú mang tính điển hình của vùng núi phía Bắc với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Hệ động vật hoang dã có khoảng 72 loài thú, 240 loài chim, 48 loài bò sát… trong đó có nhiều loài có giá trị có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới như sơn dương, gấu, vượn đen tuyền, voọc xám, rùa đầu to, kỳ đà hoa. Ngoài ra, rừng còn là nơi sinh sống của một số loài chim có vùng phân bố hẹp, trong đó có một số loài chim bị đe dọa toàn cầu như hồng hoàng, gà lôi. Hệ thực vật ở đây có 396 loài, trong đó có 27 loài thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Rừng nơi đây chủ yếu là rừng nguyên sinh, rậm rạp với nhiều tầng cây, tán lá. Tầng cao nhất là hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh, với nhiều loài gỗ quý như chò nâu, giổi, trám, pơ mu, lát hoa.... Tầng giữa là tầng cây thường xanh lá kim như loài de, giẻ.... Tầng dưới phân thành nhiều lớp cây cao thấp khác nhau, chủ yếu là các cây gỗ nhỏ ưa bóng; tầng thảm tươi chủ yếu là cây bụi, dương sỉ, cau rừng… Cảnh quan thiên nhiên của xã Nà Hẩu rất đa dạng, được bao quanh bởi các dãy núi cao từ 1.200 - 1.789m tạo thành một thung lũng rộng lớn. Địa hình nơi đây bị chia cắt mạnh tạo thành nhiều khe suối và các đồi, núi thấp có độ cao trung bình từ 600 - 700m so với mặt nước biển. Địa bàn xã có nhiều thác nước đẹp như Nà Hẩu, Nàng Tiên (hay Suối Tiên), Cộng đồng 1, Cộng đồng 2, khe Tát với nguồn nước phong phú chảy từ độ cao khoảng 30m dội xuống với độ dốc lớn, có thác hình thành chín bậc, mỗi tầng cao khoảng 4 -5 m. Đây là điểm đến hấp dẫn cho những người muốn chinh phục mạo hiểm. Xã còn có 5 hang động lớn nhỏ như hang Dơi, Thần tài; có hai hang rộng khoảng 100m2, sâu 1,5km được du khách tham quan nhiều. Hang có nhiều nhũ đá và mầm đá đẹp, nhưng đường đi lại khó khăn, hiểm trở, lối vào còn hẹp nên ít người khám phá. Các sản vật và đặc sản địa phương là cá, ếch và ốc. Suối nước lạnh và sạch là điều kiện thích hợp cho một số loài cá đặc sản phát triển mạnh như cá khuy, cá sỉnh, cá nhám…. và một số loài ếch đá sống trong môi trường tự nhiên dọc theo các con suối. Do địa bàn nằm ở độ cao trên 1.200 m, một số cây dược liệu phát triển tự nhiên tốt. Song những năm gần đây, các loại thảo dược quý hiếm đã bị khai thác nên chỉ còn sót lại như sâm cau, lan kim tuyến, sơn thục, đẳng sâm… Ngoài ra, địa phương còn có chè hoa vàng được thị trường ưa chuộng.Những đề xuất khả thi Ngoài việc nghiên cứu các điều kiện kinh tế, xã hội và thiên nhiên tại Nà Hẩu, Đoàn khảo sát của DAAD đã tổ chức hội thảo về vấn đề “Phát triển nông thôn trong quá khứ và hiện tại: So sánh Đức và Việt Nam” vào tháng 3/2019 tại thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên. Các chuyên gia cho rằng, Nà Hẩu cần tập trung xây dựng thành một làng du lịch sinh thái như nhiều ngôi làng nổi tiếng ở miền núi của nước Đức. Hiện nay, du lịch sinh thái ở xã Nà Hẩu mang tính thời vụ. Lượng khách chủ yếu từ các xã và vùng lân cận đi xe máy đến đây để tắm suối và thăm thác nước trong khoảng thời gian từ tháng 5 - 9. Lượng khách từ xa đến ít, chủ yếu các đoàn đi dã ngoại (phượt). Xét ở góc độ kinh tế học, khi thu nhập bình quân đầu người tăng, lượng khách du lịch sẽ tăng, dẫn đến tình trạng “tắc nghẽn du lịch”, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Vì vậy, xã cần thu phí tham quan tránh “tắc nghẽn” và bù đắp cho chi phí vận hành cho hoạt động du lịch. Để thu được khoản phí này, xã cần dựng điểm thu phí khi du khách vào với mức phù hợp. Theo đánh giá chung của Đoàn khảo sát, phát triển xã thành “ốc đảo sinh thái” là rất khả thi, vì hệ sinh thái ở đây còn khá nguyên vẹn, với những ngôi nhà gỗ của đồng bào dân tộc vẫn còn giữ được nét văn hóa truyền thống. Để phát triển thành khu du lịch sinh thái, xã nên vận động người dân không nên thay thế nhà gỗ bằng nhà bê tông và trồng thêm cây bản địa bóng mát. Địa bàn xã còn có một thung lũng khá đẹp, nơi đây có thể xây dựng trung tâm phục vụ du lịch. Đồng thời, xã cần mở rộng trồng cây samu ở khu vực đồi; dọc tuyến đường nên trồng nhiều cây hoa dễ chăm sóc; bảo vệ những cây cổ thụ đứng đơn độc trên những cánh đồng với vai trò tôn tạo cảnh quan. Về quản lý chất thải, UBND xã cần chú trọng tuyên truyền, thuyết phục các hộ thu gom và phân loại rác thải theo quy định; vận động đồng bào không sử dụng đò nhựa dùng 1 lần; xây dựng chương trình biogas với những bể ủ, có hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Xã đào tạo một số thành viên hộ gia đình làm hướng dẫn viên đưa du khách đi tham quan trong bản, thác nước, núi rừng, động vật hoang dã, tìm hiểu các loài cây cỏ và tạo ra các sản phẩm ẩm thực của địa phương. Cùng với đó, xã cải tạo, nâng cấp đường liên thôn liên bản và đường dẫn đến thác nước, hang động song không bê tông hóa vì sẽ đánh mất sự gần gũi thiên nhiên. Có như vậy, du khách sẽ có nhiều lựa chọn như đi bộ, xe đạp địa hình, xe máy và có thể cưỡi ngựa. Mặt khác, xã nên xây dựng điểm dừng nghỉ chân giống như chòi canh nương, ruộng của đồng bào; khuyến khích sự liên kết với các bản làng trong khu vực để mở các tour Nà Hẩu - Làng Bang, Nà Hẩu - Khe Cảnh (Văn Chấn), Nà Hẩu - Phong Dụ Thượng. Chính quyền địa phương cần thể chế hóa công tác du lịch, xây dựng quy chế du lịch và cơ chế phân chia lợi ích, hưởng chi phí do du lịch mang lại. Bảo vệ nghiêm ngặt chất lượng rừng nguyên sinh, đặc biệt hạn chế trồng cây quế lấn sâu vào trong rừng, ven bìa rừng trồng lại các cây truyền thống...Nếu làm được như vậy, Nà Hẩu sẽ sớm là một điểm du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân địa phương.
Nguyễn Trung Dũng