Phát triển bền vững cây sầu riêng trên đất Tây Ninh

Phát triển bền vững cây sầu riêng trên đất Tây Ninh

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, trước năm 2021, tỉnh Tây Ninh có khoảng 2.000 ha trồng cây sầu riêng. Nhưng do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh, giá sầu riêng luôn ở mức cao nên nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ hoa màu, lúa, cây ăn trái khác… không hiệu quả kinh tế chuyển sang trồng cây sầu riêng cho năng suất và thu nhập cao.

Từ đó, diện tích trồng sầu riêng của tỉnh đã tăng mạnh, đạt gần 3.000 ha. Ngành nông nghiệp dự báo đến năm 2025, tổng diện tích trồng sầu riêng của Tây Ninh sẽ phát triển đạt khoảng 5.000 ha, theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm, phục vụ xuất khẩu.

Hình thành vùng thâm canh

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, hiện tại tỉnh Tây Ninh đang có 3 vùng trồng sầu riêng phục vụ xuất khẩu được cấp mã vùng và 1 xưởng đóng gói. Tỉnh đang tích cực làm hồ sơ để xin cấp thêm mã vùng trồng sầu riêng, với định hướng mục tiêu đạt 50 mã vùng trồng cây sầu riêng để phục vụ xuất khẩu. Việc cấp mã vùng trồng sầu riêng phải đáp ứng được các điều kiện như thực hành sản xuất tốt, kiểm soát dịch bệnh, vấn đề quản lý, tập huấn cho người nông dân….

Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân cho biết, trước đây người dân trồng sầu riêng khoảng từ 7 đến 8 năm mới cho thu hoạch, nhưng hiện nay chỉ khoảng 4 năm. Năng xuất bình quân đạt từ 5 tấn đến 10 tấn/ha, tùy theo độ lớn của cây (riêng Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh đạt trên 20 tấn/ha sầu riêng).

Giá bình quân khoảng 50.000 đồng/kg, người dân có thể thu lãi từ 250 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha trồng sầu riêng. Trong khi đó, 1 ha cây sắn, mía, cây lúa… chỉ cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Như vậy, cây sầu riêng cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với những loại cây trồng khác.

Anh Trần Văn Chon, ngụ ấp 7, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh cho biết, diện tích trồng sầu riêng của gia đình anh là 2 ha, sản lượng năm 2023 đạt trên 54 tấn, với giá trên 50.000 đồng/kg, mùa vụ vừa qua gia đình anh có thu nhập khoảng 2,7 tỷ đồng.

Anh Chon cũng cho biết, từ khi tham gia Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Đồn (khoảng 3 năm), gia đình anh đã được hỗ trợ về vay vốn, giống, phân bón, kỹ thuật… nên sản lượng sầu riêng của gia đình luôn đạt năng xuất cao.

Ông Phan Hoài Thịnh, Giám đốc Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh cho biết, diện tích trồng sầu riêng trước đây của hợp tác xã là 45 ha, với 32 thành viên; diện tích hiện tại là 120 ha với 62 thành viên. Nhờ được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương về việc tập huấn kỹ thuật, hồ sơ đăng kí mã vùng trồng, nên hiện tại sầu riêng Bàu Đồn được cấp chứng nhận VietGAP và OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 4 sao.

Giám đốc Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Đồn cũng cho biết, hiện nay chi phí đầu tư vào 1 ha sầu riêng ở Hợp tác xã Bàu Đồn để đạt hiệu quả mất khoảng 100 đến 200 triệu/năm; Hợp tác xã đã xây dựng được thương hiệu “Sầu riêng Bàu Đồn” phân phối trong hệ thống siêu thị tại Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội…, được đánh giá cao về chất lượng.

Song song với đó, hợp tác xã đã liên kết với 3 doanh nghiệp lớn trong việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Vụ sầu riêng năm nay của Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Đồn đạt sản lượng trung bình từ 25 đến 27 tấn trên mỗi ha, với giá cả ổn định nên bà con nông dân vô cùng phấn khởi.

Phát triển bền vững cây sầu riêng trên đất Tây Ninh ảnh 1Thương lái thu mua, phân loại sầu riêng để chuẩn bị đưa ra thị trường. Ảnh: Minh Phú – TTXVN

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân cũng cho biết, so với nhu cầu tiêu thụ trái sầu riêng của thị trường trong tỉnh thì diện tích trồng sầu riêng ở Tây Ninh thực sự chưa lớn. Việc chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn là đúng định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển cây sầu riêng phải đúng theo định hướng, phù hợp với thổ nhưỡng và ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết chặt chẽ với các chuỗi cung ứng của thị trường.

Phát triển bền vững

Anh Trần Văn Chon, ngụ ấp 7, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh chia sẻ: Hiện nay, lợi nhuận từ trồng cây sầu riêng cao hơn nhiều so với trồng lúa và các cây hoa màu khác nhưng nếu bà con nông dân có mong muốn chuyển đổi sang trồng sầu riêng thì cần phải đánh giá kỹ thổ nhưỡng và phải đầu tư đúng mức, đúng kỹ thuật thì mới mang lại hiệu quả.

Phát triển bền vững cây sầu riêng trên đất Tây Ninh ảnh 2Người dân sử dụng các chế phẩm sinh học và phân bón tự nhiên để phục hồi cho cây sầu riêng sau thu hoạch. Ảnh: Minh Phú – TTXVN

Mặt khác, việc đầu tư trồng cây sầu riêng ồ ạt sẽ dễ dẫn đến nguy cơ cung vượt cầu, dư thừa, dội chợ, rớt giá là khó tránh khỏi. Vì vậy anh Chon kiến nghị các ngành, các cấp chính quyền nên có sự quan tâm đúng mức, quy hoạch vùng trồng, hỗ trợ vốn, kỹ thuật để cây sầu riêng tỉnh Tây Ninh có hướng phát triển bền vững trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, Tây Ninh là vùng thuận lợi để phát triển cây sầu riêng, đặc biệt đối với giống sầu riêng Ri6 và Monthong (sầu riêng dona). Mùa vụ sầu riêng ở Tây Ninh trễ hơn các tỉnh Tây Nam Bộ và sớm hơn Tây Nguyên, nên có thể chủ động trong việc cung ứng cho thị trường.

Hơn nữa, Tây Ninh cũng ít chịu ảnh hưởng do thiên tai bất ngờ, không bị hạn hán, bão lũ thường xuyên; đặc biệt Tây Ninh có tầng đất canh tác dày, có nhiều đất thịt, đất đen màu mỡ, thoát nước tốt, hệ thống tưới tiêu được quy hoạch bài bản, nên rất phù hợp để trồng cây sầu riêng.

Theo ông Xuân, việc trồng cây sầu riêng buộc người nông dân phải chấp nhận bỏ số vốn lớn, đầu tư dài hạn (khoảng 5 năm), đảm bảo kỹ thuật canh tác, thổ nhưỡng… mới cho ra chất lượng sầu riêng đúng tiêu chuẩn, mang lại lợi nhuận cao nhất và ngược lại sẽ kém hiệu quả.

Hiện nay, thị trường đang có nhu cầu cao về quả sầu riêng, một phần do Trung Quốc tăng thu mua, nhưng không thể dự báo được khi nào thị trường tiêu thụ sầu riêng sẽ bảo hòa, do đó người dân trước khi quyết định chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng, cần cân nhắc đầu tư bền vững, bài bản, thận trọng, để tránh rủi ro .

Minh Phú

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm