Hà Giang là tỉnh có diện tích chè tương đối lớn (đứng thứ ba sau tỉnh Lâm Đồng và Thái Nguyên) và có diện tích chè Shan lớn nhất cả nước. Năm 2021 toàn tỉnh có 20.367,3 ha chè; trong đó diện tích chè Shan núi cao chiếm khoảng 70% diện tích.
Huyện Hoàng Su Phì là huyện có diện tích chè Shan núi cao lớn nhất tỉnh Hà Giang. Đến năm 2020, toàn huyện có 4.658 ha, diện tích cho thu hoạch 3.589,7 ha, năng suất đạt 39,0 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 14.000 tấn/năm. Doanh thu hàng năm từ chè búp tươi đạt khoảng 210 tỷ đồng. Ông Lý Chòi Nhàn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hoàng Su Phì cho biết, mặc dù huyện có thế mạnh về sản xuất chè xanh chất lượng cao, diện tích chè lớn, năng suất, sản lượng chè cao nhưng chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh sản phẩm chè chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tỷ lệ sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, Hữu cơ) được chứng nhận còn thấp (đạt 44% tổng diện tích).
Từ thực tế trên, huyện đã xây dựng kế hoạch “Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà Hoàng Su Phì, giai đoạn 2021- 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Mục đích nhằm duy trì diện tích chè hiện có trên địa bàn, trong đó nâng cao diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ (Việt Nam, châu Âu, GLOBAL); xây dựng ít nhất một vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao từ khâu chăm sóc, thu hái đến sản xuất.
Để phát triển cây chè, hàng năm, huyện Hoàng Su Phì đã tổ chức tập huấn trồng, chăm sóc, thu hái và sơ chế chè cho hộ nông dân trồng chè, nâng cao kỹ thuật trong chăm sóc thu hái cho các hộ tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ với trên 2.700 hộ tham gia; phối hợp với Hội Nông dân huyện thành lập và duy trì hoạt động các nhóm sở thích trồng chè, sơ chế, chế biến chè tại 4 xã Nậm Ty (4 nhóm), Túng Sán (4 nhóm), Hồ Thầu (2 nhóm), Sán Sả Hồ (1 nhóm). Chỉ tính riêng chương trình nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất chè trong 5 năm qua (2016-2020) đã hỗ trợ trồng mới 107 ha; trồng dặm 173 ha từ nguồn vốn chương trình 30 a.
Cây chè là cây trồng thế mạnh của huyện Hoàng Su Phì và được đưa vào danh mục đầu tiên của cây trồng trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện. Sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ của huyện đã sản xuất đa dạng các loại chè (hồng trà, bạch trà, bột trà, trà phổ nhĩ…) và dần tạo được thương hiệu trên các thị trường trong và ngoài nước. Sản xuất chè góp phần phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững. Tháng 8 năm 2018 Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 2835/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00069 cho sản phẩm chè Shan tuyết “Hà Giang”.
Phát huy hiệu quả nhãn hiệu chứng nhận chè Hoàng Su Phì, chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang, huyện Hoàng Su Phì đã xây dựng các chương trình nhằm nâng cao giá trị và thương hiệu chè Hoàng Su Phì. Đến nay, huyện đã ban hành quyết định thành lập Hội chè Hoàng Su Phì, phát triển chè thành sản phẩm OCOP với 12 sản phẩm chè các loại của 6 Hợp tác xã/Cơ sở chế biến. Qua chấm điểm các sản phẩm đều đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 2 sản phẩm của Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ đạt 5 sao được tỉnh đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản phẩm OCOP quốc gia.
Trước thông tin một số cá nhân cố tình hủy hoại cây chè trên địa bàn huyện, ông Triệu Sơn An, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết, không có chuyện người dân hủy hoại cây chè. Trước đây, có một số người chơi cây cảnh săn lùng mua cây chè của người dân về trồng làm cảnh. Để quản lý được tình trạng này, huyện đã ra văn bản chỉ đạo các địa phương ngăn chặn, đồng thời tuyên truyền vận động người dân không bán cây chè làm cây cảnh. “Việc đánh gốc chè đi chỗ khác trồng làm cây cảnh, tỉ lệ sống rất thấp. Việc làm này mang lại lợi ích trước mắt nhưng gây thiệt hại về lâu dài cho người dân. Trên địa bàn huyện tuyệt nhiên không có chuyện người đổ muối vào gốc cây chè để đem bán” - ông An nhấn mạnh.
Liên quan đến bức ảnh hai thanh niên căng băng rôn có hàng chữ Trung Quốc chụp bên cạnh cây trà cổ thụ được đăng tải trên báo đang gây xôn xao dư luận, lãnh đạo xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phù, tỉnh Hà Giang (địa điểm chụp bức ảnh) cho biết, qua xác minh cây chè trong bức ảnh thuộc hộ gia đình ông Trương Văn Toàn ở thôn 1 Hợp Nhất, xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì. Hai công dân căng tấm băng rôn là anh Tráng Văn Tần, sinh năm 1995, có hộ khẩu tại thôn 1 Hợp Nhất, xã Túng Sán và anh Cáo Duy Thuận, sinh năm 2000 có hộ khẩu thường trú tại thôn Đán Khao, xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên, cả hai cùng ở Hà Giang. Người trực tiếp chụp bức ảnh là anh Cáo Diu Giang, sinh năm 1996, có hộ khẩu thường trú tại thôn Đán Khao, xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên.
Đầu năm 2020 có thương lái người Trung Quốc có tên là Sỉ Mìn Sần sang mua chè và nhờ Cáo Diu Giang chụp ảnh để quảng bá hình ảnh cây chè cổ thụ. Tháng 7 năm 2021, thương lái Trung Quốc gửi băng rôn cho Giang, đồng thời trong thời gian đó Giang nhờ Tráng Văn Tần và Cáo Duy Thuận căng băng rôn để Giang chụp ảnh. Cáo Diu Giang cho biết, thương lái người Trung Quốc nhờ chụp để quảng bá hình ảnh. Sau khi chụp bức ảnh, Cáo Diu Giang chưa gửi được cho thương lái người Trung Quốc và cũng không cung cấp hình ảnh cho cá nhân viết bài liên quan đến bức ảnh đó mà chỉ đăng trên zalo cá nhân của mình vào ngày 3 tháng 11 năm 2021. Hiện, Giang đã gỡ ảnh khỏi zalo của mình.
Nguyễn Chiến