Ngày 19/5, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết một tảng băng có diện tích lớn hơn hòn đảo Majorca của Tây Ban Nha đã tách khỏi thềm băng Ronne ở Nam Cực và đang trôi nổi trên biển Weddell. Với diện tích hơn 4.300 km2, tảng băng có tên A-76 được cho là tảng băng trôi lớn nhất trên thế giới cho đến nay.
Theo thông báo của ESA, Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh đã phát hiện tảng băng A-76 bị vỡ và tách khỏi mỏm phía Tây của thềm băng Ronne vào tuần trước. Thông tin này sau đó đã được xác nhận bằng hình ảnh Copernicus Sentinel-1.
Các nhà khoa học cho rằng việc hình thành tảng băng trôi lần này là một phần của chu kỳ tự nhiên trong vùng chứ không phải do biến đổi khí hậu. Do đây là một phần của thềm băng nổi nên khi tảng băng tan chảy sẽ không làm mực nước biển dâng lên, khác với các những tảng băng được phát hiện trên đất liền. Hiện tượng này tương tự hiện tượng đá tan không làm tăng lượng nước trong cốc. Theo tính toán của các nhà khoa học, nếu toàn bộ băng của Nam Cực tan chảy, mực nước biển có thể dâng lên hơn 57 m.
Trước khi tảng băng A-76 vỡ và trôi nổi trên biển, tảng băng A-23A với diện tích 3.880 m2 - cũng đang trôi nổi ở biển Weddell - là tảng băng trôi lớn nhất thế giới. Tháng 11/2020, các dòng hải lưu đã cuốn trôi tảng băng A-68A, lớn nhất thế giới vào thời điểm đó, từ thềm băng Larsen ở Nam Cực hướng đến bờ biển đảo Nam Georgia gây đe dọa cho các loài động vật hoang dã như chim cánh cụt và hải cẩu trên đảo. Rất may tảng băng này đã bị vỡ thành nhiều phần và tan chảy hết trước khi đến được hòn đảo ở phía Nam Đại Tây dương này.
Khu vực Nam Cực đang ấm lên nhanh hơn hai lần so với phần còn lại của thế giới. Tình trạng này khiến băng tuyết tan chảy và các dòng sông băng bị thu hẹp nhanh hơn, đặc biệt ở khu vực xung quanh biển Weddell.
Phan An