Lần đầu tiên sau gần 10 năm qua, giới khoa học Australia lại công nhận một loài bướm mới.
Loài bướm được đặt tên khoa học là "Cyprotides maculosus" này có những đốm lớn rất đặc trưng trên cánh. Chúng thường sống ở những khu vực có độ cao lớn ở trong và xung quanh Vùng lãnh thổ thủ đô Australia (ACT).
Loài vật này được một nhà khoa học chụp ảnh lần đầu tiên vào năm 2017 nhưng cho đến nay vẫn chưa được xác định chính thức.
Theo ông Michael Braby - một nhà sinh vật học thuộc Tổ chức Nghiên cứu công nghiệp và khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO), đồng thời là người đã đặt tên cho loài bướm, đây là khám phá rất có ý nghĩa. Ông nêu rõ: "Lần gần đây nhất một loài bướm mới được phát hiện là vào năm 2015, tức là cách đây đã 8 năm, do đó việc phát hiện loài bướm mới ngay tại ACT - chỉ cách thủ đô Canberra 50km - thực sự rất đáng chú ý".
Trên thực tế, những hình ảnh về loài bướm này đã được chụp lại vào năm 2017. Sau đó, một đồng nghiệp của ông Braby đã tìm kiếm và thu thập một mẫu vật sống tại Vườn quốc gia Kosciuszko vào năm 2019. Vào năm 2020 và 2021, ông Braby đã tìm thấy môi trường sinh sản của chúng trong các hốc cỏ sương giá ở vùng đồng cỏ tự nhiên dưới núi cao - nơi chúng ăn và đẻ trứng trên cây hakea microcarpa, một loại cây bụi có hoa đặc hữu ở khu vực bờ biển phía Đông Australia.
Trong các thí nghiệm, nhà sinh vật học này phát hiện ra rằng sâu bướm sẽ ăn thực vật liên quan đến loài hakea microcarpa, nhưng con cái sẽ chỉ đẻ trứng trên đúng loại cây này.
Ông Braby cho biết: “Chúng sống trong những hốc cỏ sương giá rất đặc biệt quanh khu vực Namadgi và trong Công viên quốc gia Kosciuszko gần đó, ở độ cao từ khoảng 1.100 - 1.500 mét. Đó không phải là nơi bạn thực sự muốn đến để tìm kiếm những con bướm.".
Thanh Phương