Một nhóm các nhà khảo cổ học Mỹ và Italy đã phát hiện tàn tích của một quán bia có niên đại gần 5.000 năm trong những gì còn sót lại của thành phố Lagash cổ đại, nằm ở phía Đông Bắc thành phố Nasiriyah ngày nay. Đây được cho là một trong những trung tâm đô thị đầu tiên thuộc nền văn minh Sumer của Iraq cổ đại. Do đó, nhóm nghiên cứu hy vọng rằng phát hiện này sẽ giúp làm sáng tỏ cuộc sống thường nhật của người dân tại những thành phố đầu tiên trên thế giới.
Tại di chỉ khảo cổ này, nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Pennsylvania (Mỹ) và Đại học Pisa (Italy) đã tìm thấy dấu tích của một hệ thống làm lạnh thô sơ, một lò nướng lớn, ghế dài cho thực khách và khoảng 150 chiếc bát ăn. Trong một số chiếc bát thậm chí còn có cả cá và xương động vật. Ngoài ra, cũng có những bằng chứng cho thấy các thực khách tại đây đã uống bia, đồ uống khá phổ biến trong cộng đồng người Sumer.
Giám đốc dự án nghiên cứu này - bà Holly Pittman - cho biết: "Chúng tôi thấy có tủ làm lạnh, hàng trăm chiếc bình sẵn sàng được phục vụ, những chiếc ghế dài để mọi người ngồi... và phía sau tủ giữ lạnh là một chiếc lò nướng lẽ ra được sử dụng... để nấu thức ăn. Từ những điều này, chúng tôi cho rằng đây là nơi mà mọi người - những người bình thường - có thể đến ăn và đó không phải là hoạt động trong gia đình. Chúng tôi gọi đây là quán bia vì bia là thức uống phổ biến nhất của người Sumer, thậm chí còn được họ sử dụng nhiều hơn cả nước lọc". Bà đồng thời lưu ý rằng tại một trong những ngôi đền được khai quật cũng ở khu vực này “có một công thức nấu bia được tìm thấy trên một bảng chữ hình nêm".
Khu vực Lagash, gần ngã ba sông Tigris và Euphrates, được người xưa mệnh danh là "Khu vườn của các vị thần" vì sự màu mỡ của đất trồng. Đây cũng là nơi đặt nền móng cho sự ra đời nhiều thành phố của người Sumer ngay từ thời kỳ đầu của nền văn minh này.
Ông Baker Azab Wali - một nhà khảo cổ học người Iraq - cho biết: "Lagash là một trong những thành phố quan trọng của miền Nam Iraq. Cư dân tại đây sống phụ thuộc vào nông nghiệp, chăn nuôi, đánh bắt cá và trao đổi hàng hóa".
Theo bà Pittman, nhóm nghiên cứu rất háo hức tìm hiểu thêm về nghề nghiệp của những người đã sử dụng quán bia này trong thời hoàng kim, khoảng năm 2700 trước Công nguyên, để có thể sáng tỏ hơn về cấu trúc xã hội của thế hệ các thành phố đầu tiên. Bà nêu rõ: “Có rất nhiều điều mà chúng ta chưa biết về giai đoạn đầu hình thành các thành phố và đó là những gì chúng tôi đang nghiên cứu. Chúng tôi hy vọng có thể mô tả đặc điểm của các khu dân cư và các loại nghề nghiệp... của những người sống ở thành phố lớn này, những người không thuộc giới thượng lưu. Trước đây, hầu hết công tác nghiên cứu được thực hiện tại các địa điểm khác tập trung vào các vị vua và các vị quan. Điều đó tất nhiên rất quan trọng, nhưng những người dân bình thường cũng quan trọng không kém".
Thanh Phương