Ông Phan Xuân Tâm (58 tuổi), xã Bình Khương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi xây dựng thành công mô hình trang trại tổng hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và được chính quyền địa phương khuyến khích nhân rộng.
Ông Phan Xuân Tâm luôn trăn trở chọn mô hình thích hợp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình. Trước đây, trên 3 ha đất vườn tạp của gia đình, ông thường trồng sắn, cao su nhưng hiệu quả thấp, thu nhập bấp bênh. Năm 2017, ông Phan Xuân Tâm tham quan học hỏi mô hình hay ở các huyện trong tỉnh và quyết định chuyển sang trồng cây ăn quả như sầu riêng, bơ, bưởi da xanh… Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, các loại cây trong vườn đều phát triển tốt, cho trái sai.
Khi mới trồng, một số người quen, bạn bè cho rằng, sầu riêng, bơ, bưởi da xanh không thích hợp với vùng đất này nhưng ông vẫn quyết tâm trồng. Đến nay, cây đã cho trái ngọt, không phụ công người chăm sóc, ông Phan Xuân Tâm cho hay.
Ngoài trồng các loại cây trên, ông còn xây dựng trang trại để nuôi gà. Ông Phan Xuân Tâm cho biết, ông liên kết với một Công ty tại tỉnh Đồng Nai, đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm cung cấp giống, cám, kỹ thuật chăm sóc, bao tiêu sản phẩm.
Năm 2020, ông xây dựng trại gà rộng 1.200 m2, thả nuôi 15.000 con gà. “Trước khi ký hợp đồng hợp tác, Công ty đã về khảo sát điều kiện đất đai, khí hậu và đồng ý cung cấp con giống, vaccine, thức ăn và chịu trách nhiệm đầu ra cho sản phẩm. Gia đình tôi đầu tư chuồng trại, chăn nuôi theo hình thức gia công. Sau khi thu hoạch, Công ty trả công 20.000 đồng/con gà. Với 15.000 con gà, sau thời gian 3 tháng 10 ngày thả nuôi, gia đình thu về 100 triệu đồng”, ông Phan Xuân Tâm chia sẻ.
Theo ông Phan Xuân Tâm, nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ theo kiểu cầm chừng chưa thực sự hiệu quả. Muốn chăn nuôi quy mô lớn lại thiếu vốn. Vì thế, chính sách hỗ trợ con giống, nguồn thức ăn, thuốc phòng bệnh của các doanh nghiệp đã mở ra hướng đi mới cho nông dân. Không những vậy, với mô hình chăn nuôi có ký kết với doanh nghiệp, nông dân không phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm.
Thực tế cho thấy, 15.000 con gà khi trưởng thành sẽ cần gần 1 tấn cám mỗi ngày. Do đó, nếu không có sự liên kết với doanh nghiệp, gia đình ông rất khó có đủ kinh phí để chăn nuôi.
Với mô hình trang trại này, ông Phan Xuân Tâm tạo việc làm ổn định cho hai lao động địa phương. Mỗi năm, gia đình ông thu về khoảng 400 triệu đồng. Ông còn giúp đỡ một số người dân địa phương về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, giúp gắn kết doanh nghiệp với nông dân. Nhờ đó, đến nay, xã Bình Khương đã có gần 10 hộ dân xây dựng mô hình chăn nuôi gà theo hình thức ký kết hợp tác với doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức, xã Bình Khương cho hay, sau khi tham quan mô hình chăn nuôi gà của gia đình ông Phan Xuân Tâm, ông đã mạnh dạn vay vốn để xây dựng mô hình nuôi gà có ký kết hợp tác với doanh nghiệp. Đến nay, ông đã nuôi thành công hai đợt gà, mỗi đợt 10.000 con.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Sơn Nguyễn Quang Trung khẳng định, sản xuất nông nghiệp trong thời hội nhập không thể làm theo thói quen mà nông dân cần chủ động liên kết với doanh nghiệp, các đơn vị tiêu thụ sản phẩm như nhà hàng, siêu thị…Hội Nông dân các cấp cần tạo điều kiện để hội viên được vay vốn với lãi suất thấp, mở lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt.
Trên địa bàn huyện Bình Sơn, nhiều nông dân đã thành công với mô hình trang trại tổng hợp. Gia đình ông Phan Xuân Tâm, ở xã Bình Khương là điển hình tiêu biểu do ông đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp để chăn nuôi, nhờ đó không phải lo về con giống, thức ăn, đầu ra sản phẩm. Mô hình trang trại của ông Phan Xuân Tâm là điển hình để các hội viên khác học tập. Trang trại của ông Phan Xuân Tâm không chỉ góp phần phát triển kinh tế gia đình mà còn tạo động lực để người dân địa phương học hỏi, làm theo, ông Nguyễn Quang Trung cho hay.
Đinh Hương