Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, ông Nguyễn Văn Tính, thôn Trại Nu, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện mô hình ứng dụng khoa học mới vào sản xuất trang trại tổng hợp. Mô hình này đang cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 20 lao động với mức lương từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng, sản phẩm của trang trại ông luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và được nhiều đại lý, người dân tìm về mua.
Chúng tôi có dịp về thăm trang trại của ông Nguyễn Văn Tính, được ông chia sẻ về quá trình khởi nghiệp mới biết tinh thần dám nghĩ, dám làm của người nông dân xứ Thanh. Tốt nghiệp cấp 3, ông Tính đã đi làm thuê nhiều nơi ở các tỉnh, tuy nhiên kinh tế vẫn không đủ lo cho gia đình.
Năm 2010, ông quyết định về quê với mong muốn khởi nghiệp ngay tại nhà, để phát triển sản xuất hiệu quả ông Tính đã đi các trang trại trên địa bàn để học hỏi các mô hình hay, cách làm mới, đồng thời truy cập internet, đọc sách báo để tìm ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Trong những lần đi tham quan vài trang trại nông nghiệp có áp dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất, ông Tính đã nhận ra mảnh đất nơi mình đang sinh sống rất phù hợp với mô hình ứng dụng khoa học mới vào sản xuất trang trại tổng hợp.
Năm 2012, ông quyết định vay vốn người thân, ngân hàng để khởi nghiệp, ông mua các loại cây ăn quả, giống trâu, bò, gà và giống lúa chất lượng để xây dựng mô hình. Thời gian đầu, ông gặp không ít khó khăn do kinh nghiệm không có nhưng ông vẫn kiên trì sản xuất, ông vẫn lên mạng internet tìm tòi, học cách thức sản xuất có hiệu quả.
Sau khi nắm vững kiến thức, ông Tính đã mạnh dạn thuê lại vùng đất tập trung từ người dân với quy mô 25 ha. Đây là diện tích đất bị bỏ hoang không cấy lúa, người dân đi làm công nhân và đi làm ở các tỉnh ngoài nên không có lao động cho sản xuất nông nghiệp, ông Tính thuê đã đất với giá 30 kg thóc/sào/năm, ngoài ra mọi thủ tục về thuê đất được chính quyền tạo điều kiện thuận lợi.
Ngay sau khi nhận đất, ông Tính đã phá bờ thửa không cần thiết, cải tạo đồng ruộng đều cốt đất, san phẳng mặt ruộng, củng cố lại bờ vùng, xử lý để diệt cỏ dại nhằm tạo thuận lợi cho đưa cơ giới vào sản xuất, chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh. Khi diện tích ruộng được khoanh vùng nên khá thuận lợi cho việc làm cơ giới hóa, ông Tính đã vay vốn ngân hàng đầu tư 4 tỷ đồng để mua 6 máy cấy, 1 máy làm đất, 2 máy gặt, máy bón phân và giàn gieo mạ tự động theo công nghệ mới.
Để tạo ra vùng sản xuất quy mô lớn, dễ tiêu thụ sản phẩm, ông Tính quy hoạch thành nhiều vùng, sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm, cứ vào vụ mùa ông luôn kiểm tra, làm cỏ trên ruộng rồi thực hiện việc gieo mạ theo công nghệ mới tư động, đây là công nghệ kĩ thuật mới rất tiết kiệm chi phí cho nông dân, từ đó cây phát triển rất tốt. Đồng thời, tập trung bón phân, tưới đúng lúc và đúng thời điểm để cây lúa phát triển, nhờ đó nhiều diện tích ruộng lúa đã phủ xanh và cho thu nhập cao.
Ngoài ra, ông Tính còn làm chuồng chăn nuôi trâu bò, nuôi gà an toàn, trồng các loại cây ăn quả và 5 ha diện tích cây keo lấy gỗ. Bằng sự kiên trì và chịu khó trong công việc, tới nay trang trại của ông đã được mở rộng lên 25 ha...
Hiện mỗi năm trang trại ông sản xuất ra 200-300 tấn gạo, sản phẩm lúa giống và lúa thương phẩm của được ông Tính bán cho người dân và Công ty Giống cây trồng Trung ương, Công ty Giống cây trồng Quảng Bình. Các sản phẩm gia súc gia cầm, cây ăn quả luôn có chất lượng tốt, được người dùng quanh vùng nhập về sử dụng nhiều.
Thời gian tới, ông Tính cho biết sẽ tiếp tục thầu đất để mở rộng thêm diện tích trồng lúa, cây ăn quả, qua đó tạo thêm việc làm cho người dân địa phương. Đồng thời, hướng dẫn các hộ dân quanh vùng chuyển giao khoa học kĩ thuật trong sản xuất để thực hiện theo mô hình này.
Theo ông Trịnh Đình Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân cho biết, xã hiện có 10 mô hình trang trại tổng hợp; trong đó có mô hình của ông Tính hiện là điển hình nhất của địa phương. Nhờ nghị lực và tinh thần ham học hỏi ông đã tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm để cung cấp cho người tiêu dùng. Thời gian tới, xã Xuân Tín sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra địa bàn, đồng thời hỗ trợ người dân chuyển giao khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, từ đó thoát nghèo ngay tại địa phương.
Nguyễn Nam