Ông Nguyễn Thế Hồng đam mê sưu tầm, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc

Đến thăm Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh) vào một ngày đầu Xuân, trong bầu không khí lễ hội đậm chất văn hóa Bắc Bộ, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước những cổ vật quý của nhà sưu tập Nguyễn Thế Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam Hồng, Chủ tịch Hội Cổ vật Kinh Bắc.

vna_potal_nguoi_dam_me_suu_tam_va_bao_ton_di_san_van_hoa_dan_toc_7246537.jpg
Ông Nguyễn Thế Hồng giới thiệu về Ấn vàng Hoàng đế Chi Bảo. Ảnh: Đỗ Huyền - TTXVN

Ông Nguyễn Thế Hồng là người đầu tiên ở tỉnh Bắc Ninh thành lập bảo tàng tư nhân khi sở hữu một khối lượng cổ vật đáng nể. Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng của gia đình ông đang sở hữu và lưu giữ hàng nghìn hiện vật có giá trị về văn hóa, nghệ thuật và lịch sử, với nhiều cổ vật quý giá. Các hiện vật này đang được phân loại thành những bộ sưu tập đồ gốm sứ, đồ đồng, đồ gỗ, đồ châu Âu, tranh tượng, được các nhà sưu tập đến tham quan, giao lưu đều đánh giá cao. Trong số cổ vật đó, Thạp đồng văn hóa Đông Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia và Ấn vàng Hoàng đế Chi bảo, vừa được hồi hương sau hơn 7 thập kỷ lưu lạc xứ người.

Ấn vàng Hoàng đế Chi Bảo là di sản văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng, là ấn vàng lớn, đẹp, quý, quan trọng nhất của Vương triều Nguyễn, biểu trưng của quyền lực chính trị trong một giai đoạn của tiến trình lịch sử Việt Nam. Trước khi trở về cố quốc, kim ấn Hoàng đế Chi bảo đã có một hành trình dài lưu lạc lênh đênh theo dòng lịch sử.

Ấn vàng được truyền từ đời vua Minh Mạng đến vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại. Sau đó, vua Bảo Đại bàn giao cho Trưởng phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Trần Huy Liệu tiếp quản ấn, kiếm trong Lễ thoái vị ngày 30/8/1945 tại Ngọ môn Huế. Tuy nhiên, cuối năm 1946, khi người Pháp quay trở lại Việt Nam, bộ ấn, kiếm bị thất lạc và rơi vào tay người Pháp. Ngày 8/3/1952, Pháp tổ chức nghi lễ trao lại ấn, kiếm cho Quốc trưởng Bảo Đại tại Đà Lạt. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, bộ ấn, kiếm được thứ phi Bùi Mộng Điệp (vợ của Cựu hoàng Bảo Đại) mang sang Pháp và giữ làm tài sản của gia đình.

vna_potal_nguoi_dam_me_suu_tam_va_bao_ton_di_san_van_hoa_dan_toc_7246530.jpg
Ấn vàng Hoàng đế Chi Bảo được hồi hương vào tháng 11/2023 sau hơn 7 thập kỷ lưu lạc. Ảnh: Đỗ Huyền - TTXVN

Tháng 11/2023, Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng đã chính thức sở hữu, gìn giữ, bảo quản Ấn vàng Hoàng đế Chi Bảo. Việc hồi hương Ấn vàng Hoàng đế Chi bảo của ông Nguyễn Thế Hồng trở thành một sự kiện lịch sử trong giới sưu tầm, nghiên cứu cổ vật của Việt Nam. Đây là một việc làm vô cùng ý nghĩa, khẳng định bản lĩnh doanh nhân, tinh thần tự tôn dân tộc của cá nhân ông Nguyễn Thế Hồng nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Trước đó, ông Nguyễn Thế Hồng đã dày công để sở hữu Thạp đồng văn hóa Đông Sơn. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận Thạp đồng văn hóa Đông Sơn của Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng là Bảo vật quốc gia. Cổ vật này còn nguyên vẹn, gồm cả nắp, thân và phần quai. Đây là một tác phẩm đẹp hoàn hảo, vào loại hiếm, được bảo quản nguyên vẹn đến ngày nay. Họa tiết hoa văn trên thạp sắc nét, được bố cục cân đối, hài hòa. Lối bố cục theo băng dải, đối xứng lặp lại, chạy quanh thân, tạo nên cảm giác chuyển động quay tròn xung quanh trục trung tâm. Đây là một trong số rất ít các Thạp đồng thuộc Văn hóa Đông Sơn, đóng góp tư liệu mới, xác thực cho việc tìm hiểu và nhận thức lịch sử - văn hóa thời dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc.

Ông Nguyễn Thế Hồng chia sẻ, ông luôn cảm thấy tự hào về các di sản văn hóa của dân tộc mình, có trách nhiệm gìn giữ bảo vệ, phát huy giá trị của di sản. Mỗi đồ vật đều có linh hồn, thẩm thấu, kết tinh những tinh hoa văn hóa nhân loại; việc chơi, sưu tầm cổ vật là giữ gìn di sản văn hóa. Bởi vậy, muốn sở hữu các "quý vật" thì phải luôn hành xử như một "quý nhân" bằng cách không ngừng trau dồi kiến thức văn hóa, am tường lịch sử, địa lý.

vna_potal_nguoi_dam_me_suu_tam_va_bao_ton_di_san_van_hoa_dan_toc_7246534.jpg
Du khách tham quan Thạp đồng văn hóa Đông Sơn. Ảnh: Đỗ Huyền - TTXVN

Ông Hồng cho biết, bên cạnh làm kinh doanh, ông may mắn được gia đình ủng hộ để thỏa mãn niềm đam mê sưu tầm cổ vật của mình. Bất kỳ khi nào, ở đâu có món đồ cổ ưa thích, gia đình sẵn sàng khích lệ, tạo điều kiện để ông được sở hữu. Trong số những cổ vật ông sưu tầm được, rất nhiều món đồ ông mua được khi sang thăm con đi du học hoặc cùng gia đình đi du lịch nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Đáp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh khẳng định, trong hệ thống bảo tàng của Bắc Ninh, Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng là bảo tàng ngoài công lập lưu giữ khá nhiều cổ vật quý hiếm. Gia đình ông Nguyễn Thế Hồng đang xây dựng một khu du lịch văn hóa tại thành phố Từ Sơn để trưng bày triển lãm các cổ vật tiêu biểu của Việt Nam và thế giới, phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước. Đây là tin vui đối với những người quản lý di sản.

Bên cạnh bảo tồn, phát huy giá trị di sản, chúng tôi đang chỉ đạo phát triển du lịch gắn với di sản văn hóa, trong đó hệ thống bảo tàng ngoài công lập là một trong những điểm đến. Bảo tàng ngoài công lập sẽ kết nối với những di sản, những điểm du lịch trên địa bàn tình. Bắc Ninh có nhiều tư nhân sở hữu nhiều hiện vật quý, nếu các nhà sưu tập đề nghị thành lập bảo tàng ngoài công lập, chúng tôi sẵn sàng ủng hộ, hỗ trợ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh thông tin.

Đỗ Huyền

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm