Chiến sĩ đảo Trường Sa chăm sóc rau trong nhà kín. |
Trong chuyến công tác tại Trường Sa, chúng tôi có dịp dùng cơm thân mật với anh em chiến sĩ hải quân. Hải đảo xa xôi nhưng bữa cơm ở Trường Sa cũng có rất nhiều món ngon như: giò thủ, gỏi gà, canh cá với rau cải, thịt kho trứng… Theo trung tá Phạm Văn Điển, Phó Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, hầu hết các món ăn đó đều do anh em chiến sĩ tự chế biến từ những nguyên liệu nuôi trồng tại đảo.
Minh chứng những gì đã nói, sau bữa cơm, trung tá Điển dẫn chúng tôi tham quan các mô hình chăn nuôi, trồng trọt tại đảo Trường Sa. Rau xanh ở đây cũng đa dạng chủng loại và rất tươi tốt. Chỉ tay vào vườn rau xanh rờn trước mắt, trung tá Điển cho biết: “Ngoài lượng đất, phân bón được cấp theo chế độ, anh em chiến sĩ thường xuyên cải tạo đất, tận dụng đất mùn của đảo trộn với đất từ đất liền mang ra, rồi kết hợp thêm với phân chuồng để tạo ra hỗn hợp đất thích hợp cho rau sinh trưởng và phát triển. Mùa nào thì trồng rau nấy, với quy mô trồng trọt như vậy, rau xanh chúng tôi tự sản xuất cũng cơ bản đáp ứng được nhu cầu”.
Tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất rau sạch của các chiến sĩ hải quân mới thấy hết nỗi khó khăn, vất vả của người lính. Khác với đất liền, điều kiện thời tiết ngoài đảo vô cùng khắc nghiệt, hơi nước biển rất nhiều nên nếu chăm sóc không kỹ thì rau không thể phát triển được. Để có được mỗi luống rau, các chiến sĩ phải định hướng quy hoạch khu vực trồng sao cho ít ảnh hưởng của gió biển, rồi ứng dụng kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ lá cây, phân chuồng… để bổ sung dinh dưỡng cho đất nuôi cây. Tùy theo thời tiết, mùa vụ mà lựa chọn loại rau thích hợp để trồng sao cho cây phát triển được và cho năng suất cao.
Binh nhất Nguyễn Minh Khang, công tác tại đảo Trường Sa, cho biết: “Hoạt động tăng gia sản xuất là một nhiệm vụ theo quy định, thông qua hoạt động này sẽ giúp chiến sĩ có thêm thực phẩm tươi sống phục vụ cho các bữa ăn hàng ngày. So với đất liền, việc tăng gia trên đảo gặp nhiều khó khăn do rau dễ bị nhiễm mặn. Công việc che chắn, bảo vệ rau tránh nước biển luôn được chúng tôi thực hiện nghiêm ngặt, nhờ vậy, rau xanh trên đảo lúc nào cũng tươi tốt”.
“Việc tưới nước, bắt sâu cũng được coi là nhiệm vụ thường xuyên của từng chiến sĩ, do đó rau xanh ở đảo hoàn toàn là rau sạch, đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Hàng tháng, chúng tôi giao chỉ tiêu cho các đơn vị tăng gia sản xuất đảm bảo đạt từ 12-15kg rau/người/tháng. Nhìn chung, các đơn vị đều thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu đề ra”, trung tá Điển thông tin.
Không chỉ trồng rau theo phương pháp truyền thống mà cách nay hơn 3 năm, tại đảo Trường Sa đã triển khai mô hình trồng rau trong nhà kín. Từ hiệu quả mô hình thử nghiệm ban đầu, cuối năm 2015, đảo Trường Sa đã được cấp trên đầu tư nhân rộng thêm 3 khu nhà kín trồng rau xanh. Chỉ tính riêng diện tích rau xanh trong nhà kín của đảo hiện tại đạt khoảng 500m2.
Trung tá Phạm Văn Điển cho biết thêm: “Trồng rau trong nhà kín tuy mới ứng dụng gần đây, nhưng chúng tôi nhận thấy mô hình này rất phù hợp với điều kiện biển đảo. Do được che chắn kỹ nên rau ít bị ảnh hưởng bởi nước mặn, giông bão, lượng nước tưới cũng đỡ tốn kém, sâu bệnh không có điều kiện phát triển nên năng suất rau thường cao hơn kiểu trồng rau truyền thống”.
Trong nhiệm vụ tăng gia sản xuất, ngoài trồng rau, các chiến sĩ còn chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm để cung cấp nguồn thịt tươi cho bữa ăn. Các khu vực chăn nuôi cũng được bố trí khoa học, chuồng trại luôn sạch sẽ, thông thoáng. Trung bình lượng heo trong chuồng luôn duy trì vài chục con. Trước kia, con giống thường được mang từ đất liền ra, nhưng hiện tại đảo đã nuôi được heo giống bố mẹ để sinh sản, do đó, số heo thịt luôn được duy trì thường xuyên. Đối với gà, vịt,… ngoài nuôi lấy thịt, trứng, đảo còn có các lò ấp trứng nên lượng con giống cũng được chủ động tại chỗ. Vì thế, việc chăn nuôi ở đảo thuận lợi hơn các năm trước.
Không chỉ ở đảo nổi như Trường Sa mới trồng trọt, chăn nuôi mà hiện nay nhiều đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, các chiến sĩ hải quân đã khắc phục được điều kiện khắc nghiệt của môi trường sống để duy trì hoạt động tăng gia sản xuất. Có những đảo chìm hiện nay đã quy hoạch, xây dựng khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Đơn cử như ở đảo Đá Tây, dù là đảo chìm nhưng hoạt động sản xuất ở đây đạt kết quả rất tốt. Trung bình mỗi năm lượng rau xanh sản xuất tại đảo ước khoảng 1 tấn, heo thịt đạt 45 tạ/năm, gia cầm bình quân nuôi khoảng 40 con/lứa…
Việc tăng gia sản xuất luôn được cán bộ, chiến sĩ nơi đây tham gia tích cực, với tinh thần hăng say, tự giác, tham gia hoạt động trồng trọt, chăn nuôi là dịp để mỗi chiến sĩ có thêm niềm vui mới trong lao động. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, các chiến sĩ hải quân đã cống hiến sức mình cho sự bình yên của Tổ quốc. Dù sống trong điều kiện khó khăn, khắc nghiệt, nhưng thật đáng trân trọng và tự hào, bằng nhiệt huyết của sức trẻ, các anh đã vượt lên mọi khó khăn, thử thách để nung nấu ý chí vững vàng, kiên trung vì đất nước, vì dân tộc.
Báo Hậu Giang