Nuôi dúi thương phẩm và sinh sản - hướng đi mới của nông dân Quảng Bình

Sau 2 năm khởi nghiệp, mô hình nuôi dúi thương phẩm và sinh sản tại nhà của anh Trần Ngọc Hòa (sinh năm 1990, phường Bắc Nghĩa, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) đã cho thu nhập cao, mở ra hướng đi mới cho nhiều người dân trên địa bàn có chung ý tưởng khởi nghiệp.

vna_potal_thu_nhap_cao_tu_mo_hinh_nuoi_dui_thuong_pham_va_sinh_san_tai_quang_binh_7193274.jpg
Anh Trần Ngọc Hòa chăm sóc dúi. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Đầu năm 2022, anh Hòa bắt đầu triển khai mô hình nuôi dúi tại nhà. Thời điểm đó, nhiều người dân tại địa phương hoài nghi về mô hình này, bởi dúi là con vật ít người nuôi thành công, lâu dài. Tuy nhiên, với ý chí quyết tâm, tinh thần ham học hỏi, anh đã chứng minh sự lựa chọn khởi nghiệp của mình là đúng.

Anh Hòa chia sẻ, trước khi khởi nghiệp với mô hình nuôi dúi, anh có gần 10 năm đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Có chút vốn trong tay, anh luôn muốn lập nghiệp trên chính quê hương sau nhiều năm tha phương. Anh bỏ nhiều thời gian tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại nhiều trang trại lớn ở các tỉnh phía Bắc và tính toán để mua giống về nuôi. Sau khi đầu tư làm chuồng trại với diện tích 50m2 trong vườn nhà, anh thử sức với việc nuôi 50 cặp dúi giống đầu tiên.

Thời gian đầu, chưa có kinh nghiệm thực tế, dúi nuôi bị chết khá nhiều vì mắc bệnh đường ruột và hô hấp. Không tìm ra cách chữa bệnh cho dúi, anh rất lo lắng rồi quyết định tiếp tục tìm đến các trang trại nuôi dúi học hỏi thêm kinh nghiệm, nhất là cách điều trị các loại bệnh thường gặp ở dúi.

Sau nhiều lần gặp khó khăn, dần dần, anh nắm vững được kinh nghiệm chăm sóc, chữa trị bệnh thường gặp nên đàn dúi phát triển tốt hơn. Đến nay, đàn dúi của anh lúc cao điểm lên đến 300 con, gồm cả dúi sinh sản và dúi thương phẩm. Mỗi ngày, anh dành khoảng 3 giờ đồng hồ để cho dúi ăn và chăm sóc, vệ sinh chuồng trại. Để tìm kiếm đầu ra, anh liên hệ tới các nhà hàng trên địa bàn, đăng thông tin trên mạng xã hội.

vna_potal_thu_nhap_cao_tu_mo_hinh_nuoi_dui_thuong_pham_va_sinh_san_tai_quang_binh_7193279.jpg
Mô hình nuôi dúi thương phẩm của anh Trần Ngọc Hòa nuôi dúi thương phẩm tại phường Bắc Nghĩa, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Theo anh Trần Ngọc Hòa, thịt dúi được xem là món đặc sản, có vị ngọt, thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao nên các nhà hàng trên địa bàn thành phố Đồng Hới và các vùng phụ cận thường đặt hàng, khâu đầu ra khá thuận lợi. Tuy nhiên, dúi thuộc loài động vật hoang dã nên kỹ thuật nuôi phải cẩn thận hơn các loài khác. Đặc biệt, người nuôi phải theo dõi sát diễn biến thời tiết để có sự điều chỉnh phù hợp, qua đó dúi mới phát triển và không bị bệnh.

“Loài dúi ưa bóng tối, hạn chế ánh sáng trực tiếp và tiếng ồn, ngủ ngày, ăn đêm. Thức ăn ưa thích của dúi là các loại cây thuộc họ tre, mía, ngô, sắn, cỏ voi… Chuồng nuôi dúi được làm nhiều tầng, mỗi chuồng nuôi khoảng 3 - 5 con, nhiệt độ phải duy trì từ 25-28 độ C. Để tránh sốc nhiệt cho đàn dúi, tôi phải áp dụng các biện pháp làm mát chuồng nuôi” anh Trần Ngọc Hòa cho biết.

Con dúi từ khi còn nhỏ nuôi đến khi sinh sản cần khoảng một năm. Mỗi năm, dúi mẹ sinh sản 3 lứa, mỗi lứa từ 4 - 6 con. Dúi giống sau 3 tháng có thể xuất chuồng, trọng lượng đạt khoảng 0,5kg/con. Riêng nuôi dúi thương phẩm sau 8 tháng có thể xuất chuồng, trọng lượng từ 1,5 - 2kg/con.

vna_potal_thu_nhap_cao_tu_mo_hinh_nuoi_dui_thuong_pham_va_sinh_san_tai_quang_binh_7193270.jpg
Mô hình nuôi dúi thương phẩm của anh Trần Ngọc Hòa nuôi dúi thương phẩm tại phường Bắc Nghĩa, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Anh Trần Ngọc Hòa cho biết, thuận lợi nhất của nuôi dúi sau khi nắm vững kỹ thuật chăm sóc là chi phí cho dúi ăn ít và công chăm sóc không cần nhiều. Hiện, giá thị trường của dúi thương phẩm khoảng 600 - 700 ngàn đồng/kg, mỗi cặp dúi giống khoảng 1 triệu đồng. Dúi nuôi để sinh sản (làm giống) có trọng lượng từ 1,5 - 2kg/con với giá bán khoảng 3 triệu/cặp. Theo tính toán, mỗi năm thu nhập của anh Hòa từ nuôi dúi thương phẩm và sinh sản khoảng 250 triệu đồng.

Thời gian tới, cùng với việc mở rộng diện tích nuôi dúi lên gấp đôi, anh Hòa sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp giống, thuốc chữa bệnh cho những bạn trẻ có đam mê nuôi dúi để khởi nghiệp, làm giàu chính đáng. Đồng thời, anh sẽ tổ chức liên kết các hộ nhóm để cung cấp giống cho các trại nuôi và cung cấp thịt thương phẩm cho các nhà hàng trong, ngoài tỉnh.

Ông Lê Xuân Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân phường Bắc Nghĩa (thành phố Đồng Hới) cho biết, anh Trần Ngọc Hòa là gương sáng thanh niên khởi nghiệp tại địa phương. Điều đáng ghi nhận là anh đã tự mình học hỏi kinh nghiệm để khởi nghiệp với mô hình nuôi dúi. Mô hình này đang rất hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh. Lãnh đạo địa phương đã đến tham quan mô hình và khuyến khích các thanh niên trẻ tại địa phương học tập ý chí, kinh nghiệm khởi nghiệp từ anh Hòa để có thể làm giàu chính đáng với mô hình nuôi dúi cũng như các mô hình chăn nuôi khác.

Tá Chuyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm