Với mục tiêu “Nâng cao thu nhập cho người dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn”, từ năm 2017, giống bò hướng thịt 3B đã được huyện miền núi Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên triển khai tại địa bàn xã Tràng Xá. Qua đánh giá bước đầu, bò phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này đang được bà con trong toàn huyện nhân rộng, mở ra hướng đi mới hiệu quả trong phát triển kinh tế khu vực miền núi.
Tết này, gia đình chị Vi Thị Tuyên ở xóm Đồng Ruộng, xã Tràng Xá dự kiến sẽ xuất bán lứa bò hướng thịt 3B đầu tiên cho tổng thu hoạch khoảng hơn 600 triệu đồng; theo tính toán của chị, trừ chi phí mua giống và thức ăn chăn nuôi, gia đình chị vẫn để ra được khoảng 300 triệu đồng. Trước đó, tháng 9/2019, chị Tuyên đầu tư 210 triệu đồng mua 10 con bò giống, mỗi con nặng từ 60 đến 80 kg, chi phí làm chuồng trại khoảng 40 triệu đồng. Chị cho biết: “Để phục vụ chăn nuôi, gia đình tôi trồng 10 sào cỏ voi, mỗi một con bò phải có từ 1 đến 1,5 sào cỏ. Ngoài nguồn thức ăn chính là cám và cỏ voi, bò là giống ăn tạp nên có thể cho ăn thêm ngô, bã đậu, bã rượu bia, bí đỏ…”.
Chị Chu Thị Nụ ở xóm Đồng Ruộng trước đây chăn nuôi lợn, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên gia đình đã phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn, bỏ chuồng trống trong một thời gian khá dài. Đến tháng 3/2020, chị mạnh dạn đầu tư mua 5 con bò với giá 24 triệu đồng/con, mỗi con nặng khoảng 80kg; dự kiến 7 tháng nữa sẽ xuất bán. Theo hạch toán của chị Nụ, đến khi xuất bán, mỗi một con bò sẽ có giá khoảng 65 đến 70 triệu đồng, nghĩa là một con bò sẽ cho thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Chị chia sẻ: “Nuôi bò hướng thịt 3B có ưu thế là không phải chăn thả, ít dịch bệnh, nhanh lớn và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, cũng cần chú ý đến vệ sinh thú y, tiêm phòng một số loại bệnh như lở mồm long móng, tụ huyết trùng…”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tràng Xá cho biết, hiện trên địa bàn xã có khoảng 150 con bò hướng thịt 3B, tập trung tại các xóm Tân Thành, Thành Tiến, Hợp Nhất, Cầu Nhọ… Bò hướng thịt 3B hiện đang đứng đầu về năng suất, chất lượng so với các giống bò khác. Ưu điểm là người chăn nuôi không phải lo đầu ra tiêu thụ; nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh tự tìm đến tận nhà để thu mua. Tuy nhiên, khó khăn trong chăn nuôi giống bò này hiện nay là vốn đầu tư ban đầu khá lớn và việc mua giống chủ yếu là do người dân tự bảo nhau những địa điểm mua, điều này cũng có thể gây ra những rủi ro trong chăn nuôi.
Ông Dương Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết, thành công từ mô hình chăn nuôi bò hướng thịt 3B tại xã Tráng Xá đã được nhiều hộ dân nhân rộng ra các xã La Hiên, Phú Thượng, Lâu Thượng… Để hỗ trợ và khuyến khích người dân, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, chăm sóc giống bò này, đồng thời triển khai các chính sách vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội huyện và các nguồn vốn ưu đãi khác để hỗ trợ cho các hộ nuôi bò hoặc có nhu cầu nuôi bò. Ngoài ra, huyện cũng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư để phát triển đàn gia súc nuôi lấy thịt theo mô hình trang trại tập trung. Huyện Võ Nhai xác định mô hình nuôi bò hướng thịt 3B là một trong những hướng phát triển mới và đúng, góp phần quan trọng trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Thu Hằng