Ngày 28/11, núi lửa Mauna Loa ở Hawaii - ngọn núi lửa đang hoạt động lớn nhất thế giới hiện nay - đã phun trào lần đầu tiên sau 40 năm.
Những hình ảnh ghi nhận từ trên cao cho thấy những dòng dung nham đỏ rực trào ra từ miệng núi lửa, phun khí và tro bụi bốc lên cao, tạo ra những đám khói và hơi nước khổng lồ trên Đảo Lớn ở Hawaii.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), các hoạt động địa chất đã gia tăng tại Mauna Loa trong nhiều năm qua. USGS cho biết có thể quan sát vụ phun trào ở cách xa 72km, tại thị trấn Kona trên bờ biển phía Tây của đảo chính ở Hawaii.
Thông báo của USGS cho biết vụ phun trào bắt đầu từ đêm 27/11, ban đầu diễn ra từ trong miệng núi lửa và dung nham dần dần trào ra từ các vết nứt bên cạnh miệng núi lửa. Hiện chưa ghi nhận mối đe dọa nào đối với những người sống ở khu vực gần núi lửa Mauna Loa, nhưng USGS cảnh báo tình hình có thể thay đổi nhanh chóng "dựa trên các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ", đồng thời khuyến cáo tro bụi từ núi lửa có thể gây nguy hiểm đối với sức khỏe của con người.
Hiện nhà chức trách ở Hawaii chưa đưa ra bất cứ lệnh sơ tán nào đối với dân cư sống quanh khu vực Mauna Loa. Tuy nhiên, một số tuyến đường tại khu vực này đã được lệnh phong tỏa.
Là một trong 6 núi lửa đang hoạt động trên quần đảo Hawaii, Mauna Loa đã phun trào 33 lần kể từ năm 1843. Đợt phun trào gần đây nhất diễn ra vào năm 1984, kéo dài 22 ngày và tạo ra dòng dung nham chảy dài tới 7km.
Thanh Phương