Nữ Tiến sỹ trẻ truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học vật liệu

Trong quá trình phát triển khoa học và công nghệ của nước nhà, các nhà khoa học nữ là nguồn nhân lực quan trọng, có nhiều đóng góp trong nghiên cứu khoa học; khẳng định được tài năng, sức sáng tạo và trí tuệ trên con đường chinh phục nhiều đỉnh cao khoa học. Tiến sỹ Trần Thị Kim Chi, Trưởng phòng Hiển vi điện tử, Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là một trong những nữ khoa học trẻ đã và đang có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển khoa học công nghệ hiện nay. Năm 2023, vượt qua các ứng viên có thành tích nghiên cứu khoa học ấn tượng, Tiến sỹ Trần Thị Kim Chi trở thành một trong 3 nhà khoa học trẻ Việt Nam đạt Giải thưởng L’Oreal - UNESCO năm 2023.

vna_potal_ngay_quoc_te_phu_nu_8-3_nu_tien_si_tre_truyen_cam_hung_nghien_cuu_khoa_hoc_vat_lieu_7256842.jpg
Tiến sĩ Trần Thị Kim Chi nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của Viện Khoa học vật liệu. Ảnh:Diệu Thúy-TTXVN

Định hình rõ con đường nghiên cứu

Tốt nghiệp Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2000, tốt nghiệp cao học năm 2002 tại Viện đào tạo quốc tế về Khoa học vật liệu (Đại học Bách Khoa Hà Nội), nhà khoa học Kim Chi được nhận về làm việc tại Nhóm Quang phổ học hiện đại, Phân viện Quang học Quang phổ, Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Tháng 12/2005, chị bắt đầu làm nghiên cứu sinh tại Viện Khoa học vật liệu và đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ tháng 1/2011.

Xác định theo con đường nghiên cứu khoa học lâu dài, từ khi bắt đầu làm việc tại Viện Khoa học vật liệu, Tiến sỹ Kim Chi nghiên cứu lĩnh vực quang điện-tử, cụ thể hơn là chế tạo và nghiên cứu tính chất của các vật liệu phát quang định hướng ứng dụng trong chiếu sáng rắn, các chấm lượng tử phát quang định hướng ứng dụng làm điốt phát quang sử dụng chấm lượng tử (Q-LED); phát triển và hoàn thiện các phương pháp nghiên cứu quang phổ như phổ hấp thụ, phổ huỳnh quang phân giải cao, micro-huỳnh quang, huỳnh quang phân giải thời gian. Đặc biệt, Tiến sỹ Kim Chi còn nghiên cứu một số phương pháp quang phổ phục vụ phân tích nhanh các pha cấu trúc của vật liệu (phương pháp quang phổ tán xạ Raman).

Năm 2020, khi Tiến sỹ Kim Chi thực hiện đăng ký đề tài cấp Nhà nước (thuộc Chương trình phát triển vật lý 2021-2025) về nghiên cứu chế tạo cửa sổ điện sắc kết hợp với lưu trữ năng lượng. Theo Tiến sỹ Kim Chi, tại Việt Nam, vấn đề lưu trữ năng lượng đang được quan tâm trong bối cảnh cơ sở hạ tầng lưới điện chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu phát triển năng lượng tái tạo. Do đó, Tiến sỹ Kim Chi đã lựa chọn lưu trữ năng lượng làm hướng nghiên cứu mới. Mục tiêu trong nghiên cứu của Tiến sỹ Kim Chi là tìm hiểu tính chất của thế hệ pin mới-pin ion kim loại đa hóa trị, sử dụng vật liệu nano MnO2 lai hóa với graphene làm vật liệu điện cực dương để thay thế cho các loại pin hiện hành do chi phí sản xuất thấp và sự phong phú của các kim loại đa hóa trị.

"Pin là dạng năng lượng đang được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày để cung cấp năng lượng cho các thiết bị cá nhân như: Laptop, điện thoại thông minh, xe điện, hay cho những trạm tích trữ năng lượng để đảm bảo an toàn lưới điện. Đã đến lúc chúng ta cần xem xét nghiêm túc việc nghiên cứu, chế tạo các pin lưu trữ năng lượng, đặc biệt cho năng lượng mặt trời nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững", Tiến sỹ Kim Chi cho biết.

Chủ động nắm bắt cơ hội

Động lực nghiên cứu khoa học của Tiến sỹ Kim Chi chính là sự chủ động nắm bắt cơ hội, khả năng ngoại ngữ. Đây là những tiêu chí quan trọng nhất giúp người trẻ có thể tiếp cận và theo đuổi nghiên cứu khoa học. "Động lực giúp chúng ta gắn bó và có cảm xúc với việc nghiên cứu để thấy khoa học không khô khan. Bên cạnh đó, cần chủ động nắm bắt cơ hội tham gia nghiên cứu và học tập tại nước ngoài. Để có thể tham gia nghiên cứu, khả năng ngoại ngữ cũng là yếu tố quan trọng giúp tiếp cận các tài liệu khoa học cũng như trao đổi kết quả nghiên cứu", Tiến sỹ Kim Chi chia sẻ.

vna_potal_ngay_quoc_te_phu_nu_8-3_nu_tien_si_tre_truyen_cam_hung_nghien_cuu_khoa_hoc_vat_lieu_7256843.jpg
Tiến sĩ Trần Thị Kim Chi (thứ 2, bên trái) tại Lễ trao giải Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2023. Ảnh: Diệu Thúy-TTXVN

Trên chặng đường đến với khoa học 22 năm qua, Tiến sỹ Kim Chi đã đạt được những quả ngọt từ công việc nghiên cứu của mình. Chị là tác giả và đồng tác giả nhiều bài báo khoa học trong nước và quốc tế; chủ nhiệm các đề tài từ cấp cơ sở, cấp Viện Hàn lâm và đến đề tài cấp Nhà nước. Tiến sỹ Kim Chi từng hướng dẫn các sinh viên, học viên cao học.

Là một nữ khoa học trẻ, đồng thời, là người truyền cảm hứng say mê nghiên cứu khoa học cho các nữ khoa học trẻ khác, Tiến sỹ Kim Chi cho rằng, sự cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp nghiên cứu là công việc khó khăn nhất của những người phụ nữ làm khoa học. Ngoài thực hiện thiên chức làm mẹ, làm vợ, các nhà khoa học nữ còn phải sắp xếp thời gian hợp lý cho gia đình; cùng với đó là sự thông cảm, thấu hiểu, giúp đỡ từ người thân thì mới có thể làm khoa học được.

Giải thưởng Quốc tế L’Oréal-UNESCO, thành lập vào năm 1998 với mục đích nhận diện và hỗ trợ những nhà nghiên cứu nữ xuất sắc trong khoa học trên khắp thế giới. Mỗi năm, 5 nhà khoa học được trao giải vì những đóng góp của họ cho sự tiến bộ của khoa học, trong lĩnh vực Khoa học Sự sống hoặc Khoa học Vật lý, Toán học và Khoa học máy tính vào các năm xen kẽ nhau.

Theo Tiến sỹ Kim Chi, với các nhà khoa học nữ đang theo đuổi sự nghiệp khoa học, Giải thưởng L’Oreal-UNESCO chính là minh chứng cho sự thành công của những phụ nữ kiên trì theo đuổi khoa học, truyền cảm hứng cho thế hệ phụ nữ tiếp theo trên con đường nghiên cứu khoa học đầy chông gai nhưng cũng hết sức tự hào này.

Diệu Thúy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm