Hành trình bảo tồn động vật hoang dã luôn có dấu chân không nghỉ của những người làm công tác bảo tồn. Chị Néang Ma La (sinh năm 1978), nhân viên Trung tâm Du lịch sinh thái, Giáo dục môi trường và Cứu hộ phát triển sinh vật, thuộc Vườn Quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang) là một trong những minh chứng sống cho sự cống hiến đáng khâm phục đó.
Chị Néang Ma La theo học chuyên ngành kỹ sư Lâm nghiệp tại Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2017, chị "bén duyên" với động vật hoang dã khi gặp chồng bây giờ đang công tác tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Chị theo chồng từ huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang về công tác tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng.
Công việc chính của chị Néang Ma La cùng một số nhân viên tại Trung tâm Du lịch sinh thái, Giáo dục môi trường và Cứu hộ phát triển sinh vật, thuộc Vườn Quốc gia U Minh Thượng là cứu hộ, chăm sóc, phục hồi và tái thả các loài động vật hoang dã nguy cấp quý, hiếm, chủ yếu từ các vụ buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép.
Dù kiến thức về ngành Lâm nghiệp và động vật hoang dã có nhiều điểm tương đồng, nhưng khoảng thời gian đầu tiếp xúc công việc mới ở Trung tâm đối với chị Néang Ma La vẫn rất khó khăn.
Chị Néang Ma La chia sẻ, động vật hoang dã rất đặc biệt, không giống vật nuôi trong nhà. Để chăm sóc được chúng, người làm công tác bảo tồn cần hiểu đặc tính, tập tính từng loài. Họ cần đưa ra cách chăm sóc phù haợp, chế độ dinh dưỡng khác nhau...
Ngoài kiến thức, những người làm công tác bảo tồn cần có sự kiên trì. Chị cho biết, năm 2019, Trung tâm tiếp nhận con rái cá lông mũi nhỏ chưa biết ăn cá. Để không bị mất đi loài động vật quý hiếm này, chị phải mua sữa về bón từng muỗng.
Công việc mỗi ngày của chị và đồng nghiệp luôn chân luôn tay như, tìm mua thức ăn (gồm cá, chuối, ếch, nhái…), cho chúng ăn, vệ sinh chuồng trại, chăm sóc các con bị thương tật… Tuy vậy, trên hành trình khó khăn ấy, chị không cô đơn. Chị Néang Ma La cho biết, từ những bước đầu tiên, chị đã có sự đồng hành và giúp đỡ của đồng nghiệp. Nghe họ kể những chuyến cứu hộ trước đây hay học hỏi từ những điều cơ bản nhất về cứu hộ động vật chính là cách chị trang bị cho mình kiến thức phục vụ công cuộc bảo tồn về sau.
Không chỉ riêng chị Néang Ma La, Đội "Phản ứng nhanh" của Trung tâm luôn sẵn sàng lên đường khi nhận được cuộc gọi từ người dân hoặc cơ quan chức năng. Trong năm 2023, Trung tâm tiếp nhận cứu hộ và chuyển giao bảo tồn 21 loài gồm, 127 cá thể; tổ chức và phối hợp tái thả 12 loài gồm 179 cá thể về tự nhiên (tỷ lệ cứu hộ đạt 93,4%); thực hiện sinh sản thành công 3 loài (mèo rừng, cầy vòi hương, dơi ngựa Thái Lan); cho sinh sản, tái thả hơn 54.000 con cá lóc, sặc rằn về tự nhiên.
Tình yêu các loài động vật hoang dã cùng trách nhiệm công việc của những người làm công tác bảo tồn tại Trung tâm đã và đang thay đổi nhận thức người dân về công tác này. Đối với chị Néang Ma La, ấn tượng sau mỗi vụ giải cứu là những khoảnh khắc tái thả. Tuy vất vả nhưng đối với chị đó cũng là những khoảnh khắc tuyệt vời nhất khi chứng kiến các loài động vật quay về rừng, trở về ngôi nhà thực sự của chúng.
Chị Néang Ma La mong mọi người hiểu vai trò quan trọng của các loài động vật hoang dã, không ăn, không sử dụng, không nuôi nhốt, không tiếp tay cho các hành vi buôn bán, ăn thịt thú rừng. Đó là những cái tối thiểu chúng ta có thể làm để chung tay bảo vệ các loài động vật hoang dã.
Với diện tích hơn 4 ha, nằm trong Vườn Quốc gia U Minh Thượng rộng hơn 8.000 ha, Trung tâm hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 36 loài với 202 cá thể động vật hoang dã phục vụ bảo tồn, nghiên cứu khoa học và giáo dục môi trường.
Lê Sen