Nông dân Trà Vinh chuyển hướng chăn nuôi khi giá tôm giảm thấp

Nông dân Trà Vinh chuyển hướng chăn nuôi khi giá tôm giảm thấp

Nhiều nông dân ở vùng ven biển thuộc các huyện Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú, thị xã Duyên Hải của tỉnh Trà Vinh hiện không thả nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở vụ thứ 2 để chuyển sang nuôi các loại thủy sản khác vì giá tôm thương phẩm vẫn tiếp tục giảm thấp.

Nông dân Trà Vinh chuyển hướng chăn nuôi khi giá tôm giảm thấp ảnh 1Mô hình nuôi sò huyết trong ao nuôi tôm tại xã Long Khánh, huyện Duyên Hải. Ảnh: thuysanvietnam.com.vn

Theo khảo sát của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, đa số nông dân ở các vùng ven biển nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo mô hình thâm canh, bán thâm canh đã chuyển sang nuôi cua biển, nuôi xen canh các loại cá chẽm, cá đối, cá chốt để đảm bảo nguồn thu nhập, tránh rủi ro giá cả giảm thấp, dịch bệnh trên tôm.

Ông Trần Quốc Đoàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải cho biết, việc đa dạng con nuôi thủy sản thay thế cho nuôi vụ tôm thứ 2 trong năm đối với hộ dân không có điều kiện ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm được ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh khuyến khích trong nhiều năm nay… Bởi đây là mô hình nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nông dân.

Cụ thể như mô hình “Nuôi sò huyết trong ao nuôi tôm quảng canh cải tiến” tại huyện Duyên Hải, được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Trà Vinh phối hợp với dự án Thích ứng biến với đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long (AMD Trà Vinh) hỗ trợ thực hiện trong tháng 6/2022.

Mô hình được thực hiện trên diện tích 1 ha, có 2 hộ tham gia, mỗi hộ được hỗ trợ 500.000 con giống (250 con/kg), mật độ thả 50 con/m2. Sau 4 tháng nuôi, sò huyết đạt kích cỡ thương phẩm 70 con/kg; tỷ lệ sống 65% và cho năng suất đạt trên 4,4 tấn/ha. Với giá sò huyết thương phẩm bán ra ở mức 80.000 đồng/kg, hộ nuôi lãi ròng 145 triệu đồng/ha/vụ.

Ông Kiên Khanh, ở xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải là người thực hiện thành công mô hình nuôi 1 vụ tôm sú – 1 vụ nuôi vọp trong ao nuôi tôm sú bán thâm canh. Ông Khanh cho biết, nuôi vọp trong ao tôm chỉ tốn tiền con giống, không tốn công chăm sóc, cũng không cần phải cho ăn vì có nguồn bã bùn hữu cơ tồn dư đáy ao từ vụ nuôi tôm nên vọp vẫn phát triển rất tốt. Với mật độ thả nuôi 56.000 con vọp giống trên diện tích 0,6 ha, sau 6 tháng nuôi, sản lượng vọp thu hoạch gần 1,5 tấn, bán với giá vọp từ 25.000-28.000 đồng/kg, gia đình ông có lợi nhuận hơn 35 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi Cục trưởng Chi Cục Thuỷ sản Trà Vinh cho biết, giá tôm thẻ chân trắng và tôm sú thương phẩm từ tháng 4 đến nay không ngừng giảm mạnh. Hiện tại, tôm sú loại 20 con/kg bán tại ao ở mức 200.000 đồng/kg, giảm 20.000 đồng/kg so tuần trước; tôm thẻ chân trắng loại 30 con/kg có giá 110.000 đồng/kg, loại 40 con/kg có giá 95.000 đồng/kg, giảm từ 3.000 – 5.000 đồng/kg so tuần trước.

Trước giá tôm thương phẩm giảm mạnh và kéo dài, nên nông dân chuyển sang nuôi các loài thủy sản khác, nhiều nhất là nuôi cua biển và nuôi các loài cá sống ở môi trường nước lợ. Hiện nay, tỉnh Trà Vinh có khoảng 13.000 lượt hộ thả nuôi hơn 135 triệu con cua biển giống, với diện tích gần 19.000 ha cua biển. Nông dân thả nuôi cua biển nhiều nhất theo mô hình xen trong ao nuôi tôm và mô hình rừng – tôm – cua biển.

Phúc Sơn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm