Nông dân Bình Phước chuyển đổi mô hình mới thay thế cây hồ tiêu

Nông dân Bình Phước chuyển đổi mô hình mới thay thế cây hồ tiêu
Từng có thời gian dài gắn bó với nhiều loại cây trồng như: điều, hồ tiêu… nhưng chưa một lần kinh tế gia đình anh Nguyễn Ngọc Tiến ở thôn 4, xã Thiện Hưng phát triển ổn định. Qua tìm hiểu từ anh em, bạn bè, năm 2014, anh Tiến tìm về tỉnh Bến Tre để mua 400 cây dừa xiêm xanh, xiêm Mã Lai và dừa dứa trồng trên 2 ha đất mà gia đình anh đang canh tác. Ưu điểm lớn nhất của cây dừa là vốn đầu tư thấp, nhanh cho thu hoạch và cho thu hoạch hàng ngày. Sau 2 năm trồng, cây dừa bắt đầu cho trái bói, gia đình anh bắt đầu có nguồn thu.

Hiện nay, vườn dừa 1,2 ha của anh Tiến đã được 5 năm tuổi và bước vào giai đoạn kinh doanh, bình quân mỗi ngày anh bán được 70 đến 150 trái.  Với giá thành 12.000 đồng/trái dừa dứa, 8.000/trái dừa xiêm xanh, mỗi ngày gia đình anh thu về trên dưới một triệu đồng. Cao điểm mùa nắng, mỗi ngày có thể bán được từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Đây là một nguồn thu mà anh cảm thấy hài lòng so với các loại cây trồng khác.

“Đa số nông dân ở đây trồng cao su, tiêu giá cả bấp bênh nên tôi tìm cây trồng dừa để làm kinh tế và thấy giá cả ổn định. Cây dừa trồng không khó lắm, lâu lâu chỉ cần xử lý thuốc trên ngọn cây để trị bọ dừa. Mùa nắng thì tưới và bón phân 2 lần/năm. Cây dừa có thu nhập tương đối ổn định và cho thu nhập cả năm. Hiện, vườn dừa mới cho thu hoạch nên mỗi năm cũng thu được 150 triệu”, anh Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ.

Anh Tiến cho biết thêm, việc đầu tư trồng dừa chỉ tốn tiền mua cây giống và công chăm sóc. Các khoản chi phí khác như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thấp hơn nhiều so với những cây trồng khác. Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho dừa chỉ ở mức 2 triệu đồng/ha. Trong thời kỳ kinh doanh, mỗi héc ta dừa đầu tư tối đa chỉ khoảng 5 triệu đồng, công chăm sóc cũng khá nhàn rỗi”

Còn ông Phạm Văn Tháo, ở thôn 1, xã Thiện Hưng ngày nào cũng thu được từ 35 đến 40 kg bông thiên lý  trồng trên diện tích 2,5 sào. Bông thiên lý hiện có giá khá cao, hiện giao động từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg, với năng suất và giá cả trên, bình quân mỗi ngày gia đình ông Tháo thu về không dưới 1,4 triệu đồng trong khi vốn đầu tư ban đầu thấp, lại nhanh cho thu hoạch, chỉ sau 6 tháng trồng là bắt đầu cho thu.

Với 2,5 sào trồng cây thiên lý, ông Tháo chỉ đầu tư hơn chục triệu đồng, chủ yếu là các trụ bằng gỗ, dây thép để làm giàn, còn việc chăm sóc thì rất đơn giản vì cây ít sâu bệnh. Nếu được chăm sóc tốt, thời gian thu hoạch có thể kéo dài được 4 đến 5 năm.

Ông Phạm Văn Tháo cho biết, năm nay, mỗi tháng ông thu được khoảng 30 triệu. Cây thiên lý được cái ngày nào cũng có thu. Việc đầu tư cũng khá nhẹ, bình quân mỗi sào thiên lý chỉ tốn 2 triệu đồng, cực nhất chỉ có công hái.

Chỉ tính riêng xã Thiện Hưng hiện đã có hàng chục hộ trồng bông thiên lý với tổng diện tích trên 50 ha. Giá bông thiên lý giao động từ 40.000-50.000 đồng/kg, đầu ra ổn định, sức tiêu thụ lớn. Ngoài thị trường chính là Tp. Hồ Chí Minh, người dân khu vực trong tỉnh cũng rất chuộng bông thiên lý.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Hưng  Phan Đình Thoại cho biết, cây cao su, cây tiêu, cây điều gía cả thất thường, không ổn định và cần chăm sóc nhiều hơn, hiệu quả kinh tế hiện nay thấp. Cây dừa là cây cho thu hoạch quanh năm, ngày nào, tháng nào cũng có thu nên thu nhập bà con ổn định hơn. Còn mô hình trồng cây thiên lý rất hiệu quả. Hiện nay, bà con nông dân cũng đã phát triển được mấy chục ha.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, không chỉ hiện nay cây dừa, cây thiên lý đang là sự chuyển đổi cây trồng phù hợp, là hướng đi mới giúp nhiều nhà vườn vùng biên huyện Bù Đốp mà còn có các mô hình trồng quýt đường, bưởi da xanh,.. Những mô hình này đang mang lại nguồn thu ổn định, vực dậy kinh tế gia đình khi cây trồng chủ lực điều, tiêu, cao su liên tục mất mùa, rớt giá.

K GỬIH

Có thể bạn quan tâm