Là tỉnh vùng cao nằm miền núi, biên giới cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong việc thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững, đặc biệt là tại các huyện nghèo, đặc biệt khó khăn. Thông qua việc khai thác tiềm năng địa phương và thúc đẩy liên kết sản xuất, Hà Giang không chỉ giúp người dân cải thiện đời sống kinh tế mà còn nâng cao ý thức tự lực cánh sinh trong công cuộc thoát nghèo.

Có thể nói, những năm trước đây, với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, một số nơi thường thiếu nước sinh hoạt, sản xuất từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, nên tình trạng các cánh đồng bị bỏ hoang vào mùa Đông không còn xa lạ trên địa bàn các địa phương trong tỉnh. Xong, được sự vào cuộc của các ngành từ tỉnh đến cơ sở, bà con dân tộc thiểu số đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất, những cánh đồng thay vì “nằm” im chờ vụ mới thì nay đã được phủ bởi màu xanh tươi tốt của các loại cây lương thực chính như ngô và các loại rau, màu.
Nằm cách trung tâm thành phố gần 50 km, huyện Bắc Mê mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, xong cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh khai thác tiềm năng địa phương và thúc đẩy liên kết sản xuất như triển khai các dự án như trồng chuối xuất khẩu tại xã Yên Định hay phát triển trồng dâu nuôi tằm ở xã Yên Cường. Những dự án này không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân mà còn thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập bền vững.
Dự án trồng chuối tại thôn Tạm Mò, xã Yên Định, huyện Bắc Mê với tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng, đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Hiện tại, 150 ha chuối tại đây tạo doanh thu trên 10 tỷ đồng mỗi năm. Mô hình trồng dâu nuôi tằm tại ở xã Yên Cường, huyện Bắc Mê cũng cho thấy hiệu quả khi chi phí đầu tư thấp nhưng mang lại thu nhập ổn định, giúp nhiều hộ thoát nghèo.
Cũng giống như huyện Bắc Mê, thời gian qua huyện Xín Mần cũng chỉ đạo các xã, thị trấn ưu tiên phát triển nông nghiệp theo chuỗi liên kết. Từ đó đã đảm bảo đầu ra, từng bước nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương.
Theo ông Nguyễn Tiến Hùng, Chủ tịch UBND huyện Xín Mần: Chương trình chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Xín Mần đã đạt được những hiệu quả đáng kích lệ. Địa phương đã xây dựng được được trên 20 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp có thế mạnh của địa phương. Điển hình như: Củ cải sấy, củ kiệu, củ gừng và chăn nuôi lợn hàng hóa… Đặc biệt củ cải của người dân huyện Xín Mần đã trở thành sản phẩm chủ lực thực hiện khâu đột phá tạo sinh kế, nâng cao đời sống, thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số. Không chỉ liên kết sản xuất tạo thành chuỗi giá trị mà sản phẩm củ cải còn xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản, một thị trường khó tính về các tiêu chí chất lượng sản phẩm.
Không chỉ thực hiện tốt việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, Hà Giang đã triển khai thực hiện tốt công tác hỗ trợ đào tạo nghề tổ chức các lớp dạy nghề, sửa chữa máy nông nghiệp, giúp người dân không chỉ phát triển sản xuất mà còn tìm kiếm cơ hội việc làm ngoài nông thôn. Đây là một phần trong chiến lược giảm nghèo thông qua tăng cường khả năng tự chủ kinh tế.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang, trong 6 tháng đầu năm, Hà Giang đã đào tạo nghề cho trên 5.000 lao động; triển khai trên 50 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và có trên 350 dự án phát triển sản xuất cộng đồng.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, công tác giảm nghèo tại Hà Giang vẫn đối mặt với không ít thách thức như tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao. Nguồn lực chủ yếu của tỉnh vẫn phụ thuộc chủ yếu hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Cơ sở hạ tầng hạn chế, nhiều vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh vẫn gặp rất nhiều khó khăn như đường giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế… gây khó khăn cho việc tiếp cận các chính sách giảm nghèo.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong những tháng cuối năm 2024, Hà Giang tiếp tục nỗ lực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo thông qua các chính sách thực tế và hiệu quả. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, xong Hà Giang thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Thực hiện công khai, dân chủ từ cơ sở, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia đầy đủ của người dân. Đẩy mạnh các hình thức xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo… góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng cao cực Bắc từng bước được nâng lên, cải thiện và từng bước thoát nghèo./.
Minh Tâm