Ninh Thuận siết chặt quản lý các cơ sở chăn nuôi và nuôi chim yến

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền vừa ký ban hành kế hoạch số 1288/KH-UBND triển khai quy định khu vực không được phép chăn nuôi, vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Ninh Thuan siet chat quan ly cac co so chan nuoi va nuoi chim yen hinh anh 1Nhà nuôi chim yến nằm giữa khu dân cư ở phường Tấn Tài, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Ảnh: Nguyễn Thành-TTXVN

Kế hoạch nhằm sắp xếp, di dời các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi được quy định tại Quyết định số 01/2022/QĐ-UBND ngày 6/1/2022 của UBND tỉnh phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nguy cơ dịch bệnh và xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp, văn minh; dự kiến tổng kinh phí thực hiện kế hoạch hơn 6 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền, mục tiêu của kế hoạch là tất cả các cơ sở chăn nuôi (trừ cơ sở nuôi chim yến) nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi phải di dời cơ sở chăn nuôi đến địa điểm phù hợp hoặc ngừng hoạt động chăn nuôi trước ngày 2/1/2025 và được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.

Riêng đối với các cơ sở nuôi chim yến trên địa bàn toàn tỉnh phải được giám sát chặt chẽ về điều kiện hoạt động. Các cơ sở nuôi chim yến nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi phải giữ nguyên hiện trạng, không được cơi nới và không sử dụng loa phóng phát âm thanh.

Theo kế hoạch, năm 2022 tỉnh Ninh Thuận thực hiện di dời khoảng 15% cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi hoặc chấm dứt hoạt động. Năm 2023 sẽ thực hiện di dời khoảng 40% cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi hoặc chấm dứt hoạt động. Đến năm 2024 sẽ hoàn thành công tác di dời, chấm dứt hoạt động các cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi.

Ninh Thuan siet chat quan ly cac co so chan nuoi va nuoi chim yen hinh anh 2 Thiết bị loa phóng phát âm thanh dẫn dụ chim yến vào nhà nuôi nằm giữa khu dân cư ở phường Tấn Tài, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Ảnh: Nguyễn Thành-TTXVN

Tại Quyết định số 01/2022/QĐ-UBND về quy định khu vực không được phép chăn nuôi, vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, kể từ ngày 16/1/2022 có 4 khu vực không được phép chăn nuôi, bao gồm cả hoạt động nuôi chim yến, đó là: Tất cả các phường và khu dân cư xã Thành Hải thuộc thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; tất cả các khu dân cư thuộc thị trấn Khánh Hải (huyện Ninh Hải), thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước) và thị trấn Tân Sơn (huyện Ninh Sơn).

Còn lại, vùng nuôi chim yến là vùng nằm ngoài khu vực không được phép chăn nuôi nêu trên. Khi nuôi chim yến tại khu vực được cho phép, nhà yến cách khu dân cư, công sở, trường học, bệnh viện, chợ tối thiểu 300m; bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và không gây ảnh hưởng đến đời sống của cư dân tại khu vực nuôi chim yến; đảm bảo không ảnh hưởng các khu chức năng khác đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng.

Tỉnh Ninh Thuận quy định đối với các cơ sở chăn nuôi có thường xuyên từ 1 đơn vị vật nuôi tương đương với 500 kg khối lượng vật nuôi sống trở lên nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi, trừ cơ sở nuôi chim yến hoạt động trước ngày Quyết định số 01/2022/QĐ-UBND có hiệu lực thi hành sẽ phải di dời cơ sở chăn nuôi đến địa điểm phù hợp hoặc ngừng hoạt động chăn nuôi trước ngày 2/1/2025 và được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.

Ninh Thuan siet chat quan ly cac co so chan nuoi va nuoi chim yen hinh anh 3Nhà nuôi chim yến xây dựng kiên cố vượt trội trong khu dân cư phường Mỹ Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Ảnh: Nguyễn Thành-TTXVN

Cụ thể, đối với các cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng hỗ trợ khi ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc tự di dời cơ sở đến khu vực được phép chăn nuôi thì được hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất trong thời gian 6 tháng.

Mức hỗ trợ tương đương 30 kg gạo/tháng/lao động (được quy đổi thành tiền) theo giá do cơ quan có thẩm quyền công bố tại thời điểm hỗ trợ. Ngoài ra, các cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng hỗ trợ khi ngừng hoạt động chăn nuôi và di dời đến khu vực được phép chăn nuôi thì được hỗ trợ từ 2-30 triệu đồng/cơ sở, tùy vào quy mô chăn nuôi.

UBND tỉnh Ninh Thuận giao ngành nông nghiệp phối hợp các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân có cơ sở chăn nuôi trên địa bàn về các quy định, chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 01/2022/QĐ-UBND và các văn bản liên quan để người dân biết; vận động cơ sở chăn nuôi đăng ký, ký cam kết thực hiện ngừng chăn nuôi hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định.

Đồng thời, yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện không để xảy ra trường hợp phát sinh xây mới hoặc tăng quy mô nuôi tại các khu vực không được phép chăn nuôi.

Mặt khác, tuyệt đối không cấp phép cho các tổ chức, cá nhân xây dựng mới, cơi nới, mở rộng diện tích và quy mô các cơ sở chăn nuôi tại các khu vực không được phép chăn nuôi; kịp thời tư vấn, hướng dẫn tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi chọn địa điểm chăn nuôi phù hợp quy định.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp triển khai thực hiện Quyết định quy định về vùng chăn nuôi và hoạt động nuôi chim yến.

Đặc biệt, UBND các xã, phường chủ động tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát người nuôi chim yến ở những khu vực được phép nuôi chim yến tuân thủ giờ giấc phát âm thanh máy phát dẫn dụ chim yến, buổi sáng từ 5 giờ đến 11 giờ 30 phút, buổi chiều từ 13 giờ 30 phút đến 19 giờ, âm thanh không được vượt quá 70 dB tại miệng loa phóng phát.

Việc quy định khu vực không được phép chăn nuôi, vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn là cơ sở quan trọng để các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chấn chỉnh lại hoạt động chăn nuôi trong khu đô thị, khu dân cư; trong đó, có hoạt động nuôi chim yến vốn gây bức xúc trong dư luận thời gian qua.

Nguyễn Thành

Tin liên quan

Nhiều gia đình ở Gia Lai chuyển sang nuôi chim yến

Huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai từng được biết đến là thủ phủ hồ tiêu với diện tích, sản lượng hồ tiêu lớn nhất nhì Tây Nguyên. Một thời, hồ tiêu được ví như vàng đen vì mang lại lợi nhuận cao, hàng nghìn người dân được đổi đời. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, biến đổi khí hậu khiến diện tích lớn hồ tiêu bị thiệt hại nặng và điều này khiến nhiều gia đình khánh kiệt vì không còn đủ khả năng để trang trải nợ nần.


Ninh Thuận: Siết chặt hoạt động nuôi chim yến trong khu dân cư

Nghề nuôi chim yến ở tỉnh Ninh Thuận phát triển khá mạnh với nhiều loại hình và quy mô khác nhau, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nuôi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển nghề nuôi chim yến tự phát đã và đang gây ra nhiều hệ lụy của tiếng ồn từ máy phát dẫn dụ chim yến, làm mất mỹ quan đô thị, khó kiểm soát dịch bệnh.


Áp dụng khoa học kỹ thuật phát triển bền vững nghề nuôi chim yến ở Việt Nam

Những năm gần đây, nghề nuôi chim yến lấy tổ đang phát triển mạnh trong cả nước. Các nhà nghiên cứu khoa học, nhiều doanh nghiệp chuyên về nghề yến sào đã tìm hiểu, nghiên cứu để hình thành nhiều phương pháp, cách thức áp dụng khoa học, kỹ thuật vào quá trình nuôi và pháp triển đàn chim yến, tạo nên những hiệu quả to lớn trong quá trình gây đàn, phát triển quy mô đàn chim và chất lượng sản phẩm tổ yến.


Kiên Giang cấm xây mới nhà nuôi yến ở một số điểm trọng yếu

Hiện nay, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đang quy hoạch để khai thác an toàn, bền vững, hiệu quả nguồn lợi kinh tế từ nuôi chim yến trên địa bàn. Trước mắt, tỉnh siết chặt quản lý nuôi chim yến, nghiêm cấm xây dựng mới nhà nuôi yến ở một số địa phương trọng yếu, nhất là các khu vực như: điểm chợ, khu hành chính, dân cư, đô thị, du lịch, cửa khẩu, trung tâm thị trấn các huyện. Các tổ chức, cá nhân xây dựng nhà nuôi chim yến phải có giấy phép theo quy định, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.



Đề xuất